Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xuân về, vui nhất là chợ vùng cao

Trần Huyền
Trần Huyền

Với người dân tộc thiểu số vùng cao, có lẽ phiên chợ là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt sôi động nhất, vui vẻ náo nhiệt nhất. Những lễ hội xuân độc đáo, đặc sắc cũng chỉ diễn ra trong một số ngày, sau đó người dân lại trở về với ruộng nương, công việc hàng ngày và chờ phiên chợ tới lại hồ hởi tham dự.

1. Mỗi phiên chợ của người vùng cao đều như một ngày tết, một lễ hội và cũng là nơi giao lưu. Bởi cả tuần, cả tháng họ sống và làm việc trên  nương rẫy cao, xa hun hút và hiu quạnh.

Buổi tối cũng chỉ có ti vi hoặc chiếc đài làm bạn rồi lại đi ngủ sớm (dù bây giờ không ít bà con có điện thoại thông minh).

Đi chợ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai).JPG
Đi chợ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai).

Song, thành quả lao động của họ là những bó củi, gánh lúa, cây mía, bắp ngô hay con gà, lợn, có khi chỉ là mớ rau nhưng cũng được họ chắt chiu mang đi bán. Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) họp vào sáng chủ nhật hằng tuần là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc sống tại địa phương cũng như các huyện, tỉnh lân cận. Phiên chợ là nơi tụ hội của rất nhiều hàng hóa, từ đơn sơ đến  đắt tiền.

Ngày diễn ra phiên chợ, cả thị trấn Bắc Hà vui như tết. Các chị, em diện váy, áo, đội khăn màu sắc rực rỡ. Ngay từ sáng sớm, bà con dân tộc đi bộ đến chợ hoặc đi xe máy, cưỡi ngựa. Thậm chí có người rời nhà từ chiều hôm trước để kịp phiên chợ chỉ diễn ra một lần trong tuần.

Với những người đàn ông ở vùng cao Bắc Hà, bán gùi rau trên chợ chỉ đủ để uống một bữa rượu với mấy người bạn, cùng lắm là mua được vài lạng thịt lợn về cho vợ con. Lại cũng có người sau cả tháng làm lụng cần mẫn, một ngày nhớ chợ thì vác một bao ngô xuống bán, chiều về là ngất ngây trong hơi men.

Xưa, ngoài đi bộ, người thiểu số ở Lào Cai thường dùng ngựa thồ hàng, chở người. Nên du khách đến đây thường thấy hình ảnh người đàn ông say rượu, nằm vắt ngang lưng ngựa, còn người vợ thì dắt đi. Hoặc có người vợ nhẫn nại đứng che ô cho chồng ngủ, hết cơn say mới tiếp tục về nhà.

Đây có lẽ là những hình ảnh thuộc diện đẹp và lãng mạn nhất ở vùng cao Tây Bắc. Ở đó, người phụ nữ thường rất cam chịu, thương chồng, yêu con và hết mực chăm lo cho cuộc sống gia đình. 

Ngày nay, đường đã “bò” vào nhiều thôn, bản, kinh tế khá hơn, người dân sắm được xe máy để đi lại. Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng dần được xóa. Chồng vẫn chở vợ đi chợ, mua bán, thậm chí sà vào hàng thắng cố xì xụp cốc rượu.

Người vợ cũng được ngồi cùng chồng và bạn bè uống rượu, cười nói thoải mái. Anh Tráng Xuân Cường, phóng viên Đài Phát thanh truyền hình Bắc Hà cho biết: “Rất nhiều người vùng cao lặn lội cả chục cây số xuống chợ, bán một con gà, uống rượu hết rồi về.

Cũng có người đưa cả vợ con đi đánh chén, coi như “cải thiện” trong cuộc sống. Mức sống của người vùng cao còn thấp, nếu không xuống chợ thì buồn lắm”.

đi chợ Si Ma Cai (Lào Cai).JPG
Đi chợ Si Ma Cai (Lào Cai).

Đúng như lời anh Cường, tôi đến chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) và tận mắt thấy cảnh sinh hoạt vừa bình dị, vừa đẹp ở đây. Cũng giống chợ Bắc Hà, đây là một trong những chợ lớn và độc đáo nhất vùng.

Chợ được họp ở khu đất trống giữa cánh đồng, với vài dãy nhà nứa tạm bợ nhưng cũng đủ để người dân nơi đây thắp lên tình yêu cuộc sống. Và cũng ở những phiên chợ, nhiều trai gái đã nên vợ nên chồng.

Nhiều đứa trẻ lấm lem, nhem nhuốc cũng tranh thủ ngày nghỉ học, xuống chợ chỉ để ăn một que kem, khúc mía, một chiếc bánh rán rồi lại tất tưởi vượt cả chục cây số đường về nhà. Nhiều gia đình cả tháng chắt chiu, rồi một phiên xuống chợ… tiêu sạch. Thế nhưng họ rất vui và mãn nguyện.

2. Vùng núi đá Hà Giang cũng có nhiều phiên chợ đẹp. Chợ Mèo Vạc ngày nào cũng họp nhưng chính phiên là vào chủ nhật hằng tuần. Từ những nơi thâm sơn cùng cốc, những vách đá, đường mòn… từng nhóm người rủ nhau xuống chợ. Người ở gần đi bộ vài tiếng, người ở xa phải đi từ chiều hôm trước.

Một số ôm gà, dắt lợn, dắt bò đi bán, có người vác điếu cày. Nhiều người trong túi chẳng có đồng nào, trên tay chẳng cắp, dắt thứ gì cũng cứ xuống chợ. Đi để ngắm hàng, ngắm người, thấy nhau cười nói, ăn uống, để cái tai nghe đủ tiếng vui, tiếng buồn cũng thỏa lòng.

Rực rỡ chợ Mèo Vạc.jpg
Rực rỡ chợ Mèo Vạc.

Đàn bà người H’Mông Hà Giang tranh thủ đi chợ để về còn tước lanh, xe sợi, làm nương. Đàn ông đa phần xuống chỉ để uống rượu chứ không quan tâm lắm đến chuyện bán mua.

Cái lý của đồng bào là: “Uống nhiều tốt nhiều, uống ít tốt chẳng bao nhiêu. Người tốt ra chợ mới có nhiều bạn mời rượu, mới say chứ cái bụng mà xấu, chẳng ai chơi, ai mời, uống một mình.

Như thế vừa buồn vừa tủi không say được”. Cũng vì cái lý này mà sau phiên chợ, trời về chiều, ở các ngả đường đều có những người nằm cuộn khoanh, ngáy khò khò. Ai còn đủ sức thì túm vào cái đuôi ngựa, leo dốc mà về.

Người H’Mông ở Hà Giang rất thích ăn kem. Một em bé khi được hỏi đã nói: “Ở đây không có tủ lạnh, không có điện. Người dưới xuôi tài quá, họ biết làm cho nước đông lại, còn có vị ngọt nữa”. Cũng bởi rất thích kem nên có người ăn một lúc… 20 cái.

Không ít đứa trẻ còn ôm cả một ổ gà trong ổ rơm đi đổi lấy… vài que kem ăn cho thỏa thích. Vui là khi bố mẹ biết chuyện cũng không đánh mắng, mà lại cười vì… ngộ nghĩnh.

3. Cũng có ông bố cần tiền làm đám cưới cho con thì dắt con trâu xuống chợ bán. Đứa trẻ thèm mía cầm tiền lẻ mua hai khúc, gặm xong thì về. Cuộc sống cứ diễn ra như vậy, thật đơn giản, tự nhiên, không cầu kỳ.

Người dân cũng rất đỗi thật thà, chất phác. Họ không biết nói dối, chẳng mấy khi tính toán thiệt - hơn. Đến nỗi có chuyện vui là một người đàn ông H’Mông ôm mèo đi bán. Khách mua hỏi mèo này bắt chuột giỏi không? Anh ta thật thà: “Chuột thì không bắt đâu nhưng gà thì cứ phát một...”.

Người vùng cao là thế. Không nói dối, hàng xấu bảo  xấu, đồ tốt nói tốt. Đến hàng rượu Bản Phố bán ở chợ Bắc Hà, khách sẽ được nếm rượu thoải mái. Nếm hết mười hàng thì khách… say cả chấy, thế mà chẳng mất một đồng.

Vui là vậy, thú vị là vậy nên nhiều người dưới xuôi muốn trốn sự ngột ngạt nơi phố phường đã rủ nhau lên chợ vùng cao chơi. Các chợ Cán Cấu, Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai); chợ Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang); chợ Pà Cò (Hòa Bình); chợ Mộc Châu (Sơn La)… là những điểm đến rất thú vị.

Vào dịp tết, chợ sẽ đông vui hơn. Nhiều nhóm phượt cũng tổ chức lãng du dịp tết đến xuân về, họ vẫn coi các phiên chợ vùng cao là “đặc sản” không thể bỏ qua. Bởi ở chợ, họ tìm thấy nhiều điều ý nghĩa trong mỗi hành trình.

Cuộc sống của người vùng cao sẽ ra sao nếu thiếu chợ? Chắc chắn, cuộc sống của họ sẽ bớt sinh động hơn nếu không muốn nói là quá buồn tẻ. Bởi, chợ đâu chỉ là nơi mua bán mà còn là chốn giao lưu tình cảm, nơi để kết bạn và chia sẻ về công việc làm ăn.

Nơi đó cũng góp phần làm nên đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số, là điểm nhấn sinh động của vùng cao.

Vũ Thảo

Tin liên quan