Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3
Hiện, Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Ước tính, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Israel đạt gần 200 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 110 triệu USD .
Trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình thị trường Israel vẫn còn nhiều biến động và khó khăn (tình hình an ninh chính trị nhạy cảm, Israel vừa kết thúc đợt phong tỏa đất nước lần thứ 3, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, Israel đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra ngày 23/3/2021...).
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Israel trong tháng 1/2021 đều tăng mạnh như: Giày dép các loại tăng 134,5%; hạt điều tăng 78,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 62,2%; hàng dệt may tăng 33,1%; trong khi đó, mặt hàng cà phê lại giảm 32,4%; hàng thủy sản giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng về nhóm mặt hàng thủy hải sản, trong tháng 1/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 1,68 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam (đứng thứ 3, sau Mỹ, Italy và trước Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, Mexico, Ucraina, Ai Cập đối với cá ngừ mã HS 03 đạt 1,58 triệu USD);
Mặt hàng tôm đông lạnh đạt 972.607 USD, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng mực đông lạnh đạt 267.000 USD, chiếm tỷ trọng 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 13 trong số các thị trường nhập khẩu mực hàng đầu của Việt Nam;
Mặt hàng cá tra đạt 373.382 USD, chiếm tỷ trọng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Mặt hàng tôm và mực đông lạnh tiếp tục có chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng Israel đánh giá cao.
Là thị trường xuất khẩu thủy hải sản đứng thứ 26
Hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản đứng thứ 26 trong 100 thị trường Việt Nam đã có mặt hàng xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, mặt hàng gạo thơm, hạt dài, loại 5% tấm, đóng bao 5kg; các loại thực phẩm khô như bánh tráng cuốn, bánh đa nem, phồng tôm... tiếp tục xâm nhập và được phân phối trên thị trường Israel.
Một số doanh nghiệp Israel tiếp tục quan tâm tới mặt hàng lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, rau củ quả sấy khô, hàng dệt may, găng tay y tế, bao bì các loại và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để có thể ký kết hợp đồng trong thời gian tới.
Về nhập khẩu, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện giảm 38,1%; trong khi, mặt hàng phân bón các loại tăng vọt 336,9%; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 56,5%; mặt hàng rau củ quả tăng 22,5%.
Kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do các công ty đầu tư liên doanh nước ngoài ở Việt Nam giảm nhập khẩu nhóm hàng thiết bị máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, bản mạch điện tử… từ Israel là nguyên vật liệu đầu vào để đưa về lắp ráp, sản xuất hàng hóa thành phẩm tại Việt Nam trong chuỗi hệ thống của họ.
Ngày 21/1/2021, các bộ, ngành liên quan của phía Việt Nam và Israel đã tiến hành phiên làm việc đầu tiên, cùng nhau trao đổi về các vấn đề kỹ thuật, tìm hiểu, làm rõ chính sách, quy định hiện hành của mỗi bên về lao động, các vấn đề ưu tiên mà hai bên cùng quan tâm, để khởi xướng đàm phán hiệp định về hợp tác lao động giữa hai nước.
Dự kiến, hai bên sẽ thúc đẩy sớm quá trình đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định trong thời gian tới nhằm đưa lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Israel.
Ngoài ra, một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như: Hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, tự động kiểm soát theo dõi các phương tiện giao thông hoạt động trên đường cao tốc và trong nội đô thành phố, công nghệ sản xuất năng lượng sạch, dịch chuyển đầu tư và các chuỗi hoạt động sản xuất sang Việt Nam...
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Israel vẫn tiếp tục quan tâm tới nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô (bánh tráng cuối, bánh đa nem, phồng tôm...), hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép....), nông-thủy-hải sản các loại, rau củ quả sấy khô, nước giải khát, hàng gia dụng, thiết bị y tế, găng tay các loại, bao bì các loại... từ Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, quan trọng tại châu Á để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.