Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12, đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12 đạt 649,96 tỷ USD, giảm 7,5% (tương ứng tăng giảm 52,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 12 đạt 15,04 tỷ USD, giảm 8,1% (tương ứng giảm 1,33 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 11/2023.
Một số nhóm hàng giảm mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 463 triệu USD (tương ứng giảm 20,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 167 triệu USD (tương ứng giảm 6,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 158 triệu USD (tương ứng giảm 7,8%); dệt may giảm 112 triệu USD (tương ứng giảm 7,7%)...
Như vậy, từ đầu năm đến hết 15/12, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 337,62 tỷ USD, giảm 5,2% (tương ứng giảm 18,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 245,3 tỷ USD, tương ứng 72,6%.
Về nhập khẩu, các mặt hàng và nhóm mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 84,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt hơn 39,6 tỷ USD; vải các loại đạt hơn 12,48 tỷ USD; sắt thép các loại đạt hơn 10 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 9,3 tỷ USD;
Riêng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 8,4 tỷ USD; xăng dầu các loại đạt hơn 8,1 tỷ USD; dầu thô đạt hơn 6,84 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 5,7 tỷ USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 4,8 tỷ USD…
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Mặc dù vậy, trong năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
Nguyễn Thanh