Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ của Nhà nước đến các đối tượng được thụ hưởng
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, Ngô Thanh Giang cho biết, Sở đang cùng các địa phương trong tỉnh nắm bắt thông tin, rà soát nhanh các nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động (NLĐ) và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn bị ảnh bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ. Sau khi có hướng dẫn của cơ quan Trung ương, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh khẩn trương triển khai kịp thời gói hỗ trợ của Nhà nước để các đối tượng sớm được thụ hưởng trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, tổng dự toán kinh phí hỗ trợ của tỉnh Yên Bái chi trả cho các đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ gần 276 tỷ đồng. Kết quả rà soát nhanh từ số liệu thống kê của các địa phương cho biết, tổng số đối tượng Người có công với cách mạng đang hưởng trợ trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 5.092 người, với tổng số tiền hỗ trợ 7.638.000.000 đồng.
Đối tượng Bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người từ đủ 80 tuổi trở lên; Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật… tổng số 24.260 đối tượng, với tổng số tiền hỗ trợ là 36.390.000.000 đồng.
Nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019, tổng số khẩu nghèo, cận nghèo được hỗ trợ là 195.073 khẩu; với kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là 146.304.750.000 đồng. Nhóm đối tượng là NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp cần hỗ trợ là 5.078 người, với tổng số tiền hỗ trợ 27.421.200.000 đồng.
Nhóm đối tượng là người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc, với số lượng đơn vị có nhu cầu vay là 721 đơn vị. Qua rà soát, chưa thống kê được nhu cầu, số lượng tiền cần vay của các doanh nghiệp để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc.
Nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 6.868 hộ, với tổng số tiền hỗ trợ 20.604.000.000 đồng.
Nhóm đối tượng là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Trong đó, đối tượng là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ là 2.061 người, với tổng số tiền hỗ trợ 6.183.000.000 đồng. Đối tượng là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm là 10.338 người, với tổng số tiền hỗ trợ 31.014.000.000 đồng.
"Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến mọi người dân, gói hỗ trợ của Chính phủ cho thấy rõ tính nhân văn của Nhà nước ta, đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Để thực hiện gói hỗ trợ này, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai nhanh, thận trọng, minh bạch để đối tượng được hưởng thụ chính xác, không để xảy ra sai sót, tránh trục lợi, tham ô chính sách…", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ngô Thanh Giang khẳng định.
Công tác XKLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19
Đánh giá về dịch bệnh COVID-19 đối với thị trường lao động, công tác xuất khẩu lao ộng (XKLĐ) của Yên Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong quí I/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vận tải, thương mại, du lịch, khách sạn nhà hàng, sản xuất may mặc… đã tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến ảnh hưởng việc tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho NLĐ và việc bố trí việc làm đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp học nghề gặp khó khăn. Đặc biệt trong thời gian qua các doanh nghiệp vận tải hành khách, may mặc đã có hàng trăm lao động phải tạm ngừng việc, đã nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác XKLĐ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong đó có thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông và Châu Âu là các thị trường thu hút nhiều lao động của tỉnh Yên Bái đi XKLĐ. Cùng với đó, nhiều lao động nghỉ việc, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong qúi I/2020, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 604 người với tổng số tiền 9,92 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 5 người với tổng số tiền 25 triệu đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 527 lao động.
Đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin cho người lao động
Giám đốc Ngô Thanh Giang cho biết, để đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trong năm 2020, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Yên Bái tập trung đẩy mạnh lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị gắn với với phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường lao động, thông tin cung-cầu lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để các địa phương tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin cho NLĐ. Xây dựng kế hoạch, tổ chức 20 buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp học nghề cho học sinh các trường THPT do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, dự kiến tư vấn cho khoảng 5.000 học sinh lớp 12, dự kiến thời gian thực hiện trong tháng 6/2020. Tổ chức khoảng 50-60 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các lớp đặt hàng đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của các doanh nghiệp.
Triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường lao động đến các xã, phường, thị trấn, NLĐ thông qua tờ rơi tuyên truyền, bản tin thị trường lao động, qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút lao động nông nghiệp đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở trong và ngoài tỉnh hoặc XKLĐ.
Đồng thời khảo sát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sau dịch Covid-19, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động đã qua đào tạo nghề.