Trong quá trình làm việc, luật sư Trần Thị Hiền, Văn phòng luật sư Thiên Thanh, cho biết, ngày nay, mọi người nhìn nhật việc ly hôn cũng cởi mở hơn. Dù với bất kỳ lý do gì, bất kể tuổi tác người ta cũng có thể đưa nhau ra tòa ly hôn.
Luật sư Hiền cho hay, năm 2012, anh G. (khoảng 45 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến văn phòng của chị trong bộ dạng vô cùng mệt mỏi, nhờ tư vấn ly hôn. Điều khiến luật sư Hiền vô cùng ngạc nhiên là người đàn ông này không muốn luật sư giúp đỡ cho chính bản thân mà là bố mẹ của anh.
“Anh G. cho biết, bố anh năm nay 80 tuổi, mẹ anh cũng đã ở tuổi 76. Hai ông bà có với nhau 2 người con trai đều đã lập gia đình và ở riêng.
Cách đây 5 năm, bố anh bị tai biến phải ngồi xe lăn nên việc trông nom, chăm sóc ông đều phải trông cậy vào tay nữ ô sin 45 tuổi, góa chồng mà gia đìnhanh thuê trước đó.
Từ khi có ô sin, mẹ anh dần dần quên đi vai trò người vợ. Bà liên tục bỏ bê người chồng bị bệnh tật cho nữ giúp việc chăm sóc. Dần dà chồng bà nảy sinh tình cảm với người giúp việc này.
Vì vậy một ngày đẹp trời, chồng bà gọi điện thoại thông báo cho 2 người con trai về việc mình sẽ ly hôn với vợ. Ông cũng cho biết đã ra phường đăng ký thủ tục ly hôn”, luật sư Hiền nói.
Luật sư Trần Thị Hiền chia sẻ câu chuyện ly hôn đặc biệt.
Luật sư Hiền kể tiếp: “Người con trai cũng tâm sự, cuộc điện thoại thông báo của bố diễn ra vô cùng bất ngờ, chóng vánh nên cả hai anh em không kịp trở tay. Vì vậy sau khi nghe bố mình trình bày xong, họ đã cùng nhau về nhà gặp riêng bố để khuyên can, mong ông vì con vì cháu mà suy nghĩ lại.
Tuy nhiên sau khi nghe hai người con nói, ông không giữ nổi bình tĩnh, chia sẻ rằng: "Lâu nay mẹ các con không hề làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ trong gia đình khi suốt ngày lăng nhăng bên ngoài. Nay bố đề nghị được ly hôn và chia đôi số tài sản".
Vừa nói, ông vừa sai bà giúp việc mở tủ lấy lá đơn ly hôn đã ký sẵn, chìa ra trước 2 con. Các con ông khi nhìn thấy cảnh đó không khỏi đau lòng, xót xa”.
Nữ luật sư chia sẻ thêm: “Trước những lời tâm sự như dốc hết ruột gan của người con, tôi đã đồng ý nhận vụ việc này.
Sau đó, tôi trực tiếp đến nhà anh ấy để cố gắng trò chuyện với cụ ông và khéo léo kéo dài vụ việc để hàn gắn cho hai cụ. Bởi tôi e rằng có thể chỉ vì một chút hiểu lầm, một chút giận dỗi nhất thời mà hai cụ đòi bỏ nhau.
Nhưng sau gần một năm trời ông cụ vẫn kiên định với quyết định của mình. Trong lần đầu tiên kéo nhau ra tòa, ông vẫn một mực trình bày việc mình không thể chấp nhận được cuộc sống ngột ngạt với vợ.
Trong khi đó, vợ ông đã xin tòa bác đơn ly hôn để vợ chồng hàn gắn, khi về già đỡ xấu hổ với các con. Tuy nhiên chồng bà không chịu mà làm đơn kháng cáo, xin tòa được ly hôn với vợ tới cùng".
Trong phiên phúc thẩm, cụ ông ngồi trên xe lăn nói chuyện và tỏ ra vô cùng thất vọng với người vợ hiền dịu, từng đầu gối tay ấp ngày xưa. Ông nói, mấy năm qua, ông phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, thiếu quan tâm của bà. Nay ông xin tòa cho phép ông được ly hôn.
Trước tòa, người con trai cũng bày tỏ, gia đình anh là gia đình gia giáo, bố anh trước đây là người có chức vị cao trong một công ty nhà nước nên bản thân không hề mong muốn bố mẹ ly hôn. Tuy nhiên nếu bố anh vẫn cương quyết thì anh mong tòa xem xét, giải quyết để ông được toại nguyện.
"Sau khi xem xét hồ sơ, tòa đồng ý cho hai ông bà ly hôn. Vì vụ ly hôn không có tranh chấp tài sản nên tòa đề nghị sẽ làm theo thỏa thuận của cụ ông là chia đôi nhà thành hai căn. Một căn do ông ở và một căn dành riêng cho vợ”, luật sư Hiền cho hay.
Luật sư Trần Thị Hiền cũng cho biết thêm: “Ly hôn với vợ xong, cụ ông kết hôn với người nữ giúp việc kia. Tuy nhiên khi ở vai trò là một người vợ, người đàn bà này không thể chăm sóc ông được như trước.
Vì vậy trong lần gặp gần đây để nhờ tôi tư vấn làm di chúc, cụ ông đã buồn bã quyết định nhượng hết số tài sản còn lại của mình cho những đứa cháu nội”.
Theo Vietnamnet