Đề nghị chấm dứt thực hiện mô hình "3 tại chỗ"
Thông tin từ báo Người lao động cho biết, Sở LĐ-TB&XH và Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai vừa báo cáo lên UBND tỉnh này xung quanh tình hình một số doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị chấm dứt thực hiện mô hình "3 tại chỗ", nhiều người lao động trong các công ty bày tỏ mong muốn được trở về nơi cư trú.
Đề nghị trên được đưa ra trong diễn biến thời gian gần đây hàng chục công ty áp dụng mô hình "3 tại chỗ" có xuất hiện F0, đặc biệt có nơi đã trở thành ổ dịch phức tạp. Hai doanh nghiệp trong số đó đã phải tạm ngừng hoạt động.
Trong tình hình đó, tối 5/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản hỏa tốc gửi các bộ phận liên quan để có hướng xử lý thích hợp.
Theo đó, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, đối với các doanh nghiệp đề nghị chấm dứt thực hiện phương án trên thì yêu cầu phải báo cáo tình hình cụ thể để nắm rõ. Khi được chấp thuận, các doanh nghiệp này phải tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ lao động, những lao động có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và được UBND cấp huyện đồng ý tiếp nhận sẽ được rời cơ sở "3 tại chỗ" để về nhà.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), cần sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động. Với chi phí chống dịch như thực hiện xét nghiệm, công nhân ăn ở tại chỗ, doanh nghiệp phải tiêu tốn rất nhiều nhưng nguy cơ rủi ro vẫn rất lớn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể kéo dài, nên việc đẩy mạnh tiêm vaccine được xem như giải pháp căn cơ, bền vững nhất hiện nay.
Đối với doanh nghiệp có trường hợp dương tính, trường hợp doanh nghiệp vẫn thực hiện "3 tại chỗ", nhưng người lao động đề nghị không tiếp tục lưu trú tại công ty thì cũng sẽ được trở về nhà nếu có giấy xét nghiệm âm tính.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.150 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" với khoảng 136.000 lao động tạm trú tại công ty để làm việc.
Trong diễn biến liên quan, sáng 6/8, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết sau một ngày trên địa bàn đã ghi nhận thêm 817 ca dương tính. Đây là số ca dương tính ghi nhận trong ngày nhiều nhất từ trước đến nay tại tỉnh Đồng Nai, gấp nhiều lần so với các ngày trước đó. Hiện tại tỉnh đã ghi nhận hơn 7.000 ca mắc Covid-19.
Chỉ sản xuất khi đã an toàn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho rằng cách thức áp dụng "3 tại chỗ" của mỗi địa phương khác nhau là nguyên nhân quyết định cho hiệu quả mô hình này.
Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp chỉ được áp dụng "3 tại chỗ" khi tình hình dịch đã kiểm soát được phần nào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực.
Thực tế ngay khi dịch xảy ra, tỉnh này cũng phải chấp nhận cho công nhân nghỉ làm, nhà máy dừng sản xuất để ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là dập dịch, kiểm soát nguồn lây.
"Khi dịch cơ bản kiểm soát ổn định mới tính đến sản xuất. Mọi bước đi đều làm thận trọng, đáp ứng đủ điều kiện mới cho vận hành" - ông Ngọc nói thêm là các khu công nghiệp phía Bắc có điều kiện thuận lợi hơn là mức độ tập trung (nhà máy, công nhân) cao hơn.
Tại các tỉnh phía Nam, cách áp dụng "3 tại chỗ" lại ngược lại. Bởi khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng "3 tại chỗ" gặp rất nhiều rủi ro.
Ông Ngọc cho biết bài học của Bắc Giang là "chỉ sản xuất khi đảm bảo an toàn", trên cơ sở xây dựng các bộ tiêu chí về sản xuất, nhà ở cho công nhân phù hợp với địa bàn.
"Quan trọng là phải đánh giá được mức độ dịch trong khu công nghiệp, nhà máy, trên cơ sở xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc trong khu công nghiệp để từ đó đưa ra giải pháp", ông Ngọc nói.
Theo cách này, Bắc Ninh đã dồn mọi lực lượng để thực hiện kiểm tra dịch tễ cho trên 132.000 lao động chỉ trong 5 ngày.
Sau khi đảm bảo các điều kiện "3 tại chỗ", công nhân được vào nhà máy đi làm, nhưng sẽ phải kiểm tra xét nghiệm tầm soát liên tục để phân loại tiếp, dần dần mới tăng công suất.