Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, thị trường lao động trong 6 tháng đầu năm có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động có sự sụt giảm. Bắt đầu từ tháng 05/2020, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng trở lại, tuy nhiên không còn nhộn nhịp như trước, số lượng doanh nghiệp đăng tuyển dụng cũng như các chế độ lương thưởng không còn hấp dẫn và không còn cao so với trước đây.
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vẫn chưa phục hồi và còn gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất ít. Do đó thị trường lao động vẫn sẽ tồn tại sự lệch pha cung - cầu lao động.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - PGĐ Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ cho biết: Tính từ đầu năm 2021 cho đến hết ngày 20/7/2021, số người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7.214 người, trong đó, số người đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.907 người.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm hoặc tại các cơ sở đào tạo, tổ chức phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tuyến kết nối không chỉ trong phạm vi TP Cần Thơ mà còn với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre hay thuộc vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động: Gặp gỡ nhà tuyển dụng; Cà phê việc làm; Ngày hội việc làm thời vụ… phù hợp với từng đối tượng người lao động như: Người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sinh viên, học sinh vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hoặc người có nhu cầu tìm việc làm trong thời gian ngắn. Bà Vân thông tin.
Theo bà Vân, để phòng ngừa việc lây lan của dịch bệnh, từ ngày 16/6/2021, Trung tâm đang tạm ngưng hoạt động các lớp dạy nghề trực tiếp tại Trung tâm, song song đó, Trung tâm đang thực hiện các bước chuẩn bị để chuyển sang hướng dạy nghề theo hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo cho người lao động tham gia học nghề, vừa phòng, chống việc lây lan của dịch bênh. Tuy nhiên, các lớp nghề do Trung tâm tổ chức theo hình thức đào tạo thường xuyên, 80% chương trình là thực hành nên học viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến.
Thời gian tới, trung tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp như: Tập trung hỗ trợ, phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với tình hình địa phương, dễ dàng chuyển đổi hình thức dạy và học để có bước ứng phó kịp thời khi có sự thay đổi; Đa dạng hình thức dạy và học để người học có thể tham gia học ở bất cứ nơi nào và thực hành bất cứ lúc nào thuận tiện.
Dự báo thị trường lao động tại Cần Thơ những tháng cuối năm có những chuyển biến tích cực duy trì và ổn định an ninh an sinh xã hội. Thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và làm việc ở các ngành lĩnh vực mũi nhọn. Dịch Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số, chuyển đổi số, logistics.
Tuy nhiên tình trạng Covid-19 còn tiếp diễn nên thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn, mất cân đối lao động còn đối cung cầu lao động còn tiếp tục diễn ra. Để hạn chế tình trạng mắt cung cân đối cung cầu lao động, cân bằng và thúc đẩy thị trường lao động phát triển phải giảm bớt mất cân đối giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp; Trung tâm đề xuất một số giải pháp như:
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản sử dụng lao động: Ngoài việc tăng cường sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín trên thị trường để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; gắng sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng môi trường làm việc, trọng dụng nhân tài đồng bộ, tạo cơ hội cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cần đổi mới yêu cầu về giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành. Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp Yêu cầu của doanh nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp, coi tuyển sinh của trường là tuyển dụng của doanh nghiệp; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học.
Đối với người lao động, học sinh, sinh viên: Cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, không chỉ về chuyên môn kĩ thuật mà cần chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng đáp ứng nhu cầu hội nhập: Kỹ năng chuyên môn đáp ứng cho từng loại công việc, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, Kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc tập thể. Bên cạnh đó muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020