Có nghề an tâm lập nghiệp
Đó là chia sẻ của đa số của người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ đăng ký học nghề sau thời gian dài không có việc làm ổn định hoặc có công việc nhưng thu nhập thấp.
Chị Hồ Yến Ly (trú tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) là gương điển hình về học nghề lập nghiệp khá thành công. Chị Ly cho biết: Lúc trước, tôi làm tại Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, công việc tuy nhàn nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ 4 - 5 triệu, tiết kiệm lắm mới đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình nên không có tiền tích lũy. Quyết tâm có nghề để lập nghiệp và theo đuổi ước mơ bấy lâu nay ấp ủ nên tôi xin nghỉ việc. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi đăng ký học nghề Trang điểm trong 3 tháng, từ ngày 26/8/2017 đến 25/11/2017 tại Công ty TNHH MTV Dạy nghề Hoài Thương.
Sau thời gian học nghề, chị Ly đã tự mở cơ sở kinh doanh tại nhà. Thành công nối tiếp thành công, đến nay, chị đã thành lập được 3 cơ sở kinh doanh nghề trang điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ với mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.
"Tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động, tự nâng cao tay nghề của bản thân và nhân viên tại các cơ sở của mình để ngày càng chuyên nghiệp hơn trong tư vấn và đào tạo nghề, luôn mong muốn có thể truyền lửa về nghề cho những người cùng đam mê và muốn khởi nghiệp bằng nghề làm đẹp", chị Ly chia sẻ.
Trước khi có được công việc và thu nhập ổn định như bây giờ, chị Lâm Thị Xuân Liễu (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) từng bị thất nghiệp. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Kết Nối Việt đóng cửa nên đa số người lao động đều mất việc, trong đó có chị Liễu.
"Chúng tôi đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ. Tại đây, tôi được tư vấn, ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, người lao động còn được hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ chi phí học nghề 1 triệu đồng/nghề/tháng, tùy theo nghề và không quá 6 tháng.
Qua tìm hiểu, tôi quyết định chọn học nghề pha chế thức uống cơ bản tại Trung tâm vì thời gian học phù hợp với việc sắp xếp tại gia đình và cũng thích nghề này, quan trọng là tôi được hỗ trợ 100% chi phí học nghề. Sau thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký học nghề, tôi nhận được Quyết định hỗ trợ học nghề pha chế thức uống cơ bản, thời gian học nghề 2,5 tháng từ ngày 15/1 đến 1/4/2020.
"Tôi đang kinh doanh một số mặt hàng về nước uống thông dụng tại nhà và bán hàng online. Bước đầu, công việc kinh doanh phát triển khá tốt và mỗi tháng cũng kiếm được 5 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Cũng mừng lắm chị ạ, trước giờ công việc cứ bấp bênh hoài, đi làm cả ngày không ai lo cho con và gia đình mà thu nhập thì chẳng bao nhiêu. Nay công việc cũng nhàn, thu nhập cũng tương đối lại có thời gian chăm lo cho gia đình", chị Liễu chia sẻ.
Vai trò của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được phát huy
Tay nghề, kỹ năng lao động thấp; kỷ luật lao động hạn chế, khả năng ngoại ngữ kém là những điểm yếu nổi bật và phổ biến của đội ngũ lao động nước ta đã được nhận diện nhiều năm qua. Chỉnh phủ, các ngành chức năng, trong đó có tổ chức Công đoàn coi đó là vấn đề lớn, một chương trình hành động cần triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động.
Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã được ban hành. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hàng loạt lao động bị mất việc làm, nghỉ việc, ngừng việc; người lao động cần "biến cái rủi thành cái may", tận dụng thời gian này học nghề để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại sản xuất, cải tiến dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp sau dịch.
Với mục tiêu giúp người thất nghiệp nâng cao tay nghề, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng của các doanh nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động, ổn định kinh tế - xã hội, các trung tâm dịch vụ việc làm nói chung và Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP. Cần Thơ nói riêng (Trung tâm) đã không ngừng nỗ lực, tìm ra hướng đi mới trong đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhờ đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tiếp cận học nghề ngày càng tăng cao, các chính sách hỗ trợ học nghề đã từng bước sửa đổi, bổ sung, mở rộng để thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, năm 2020, Trung tâm tiếp nhận 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia dạy nghề cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp, với 73 nghề đào tạo, tăng 12 nghề so với năm 2019, việc này tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, có việc làm, tạo việc làm và duy trì được việc làm.
Tính đến tháng 5/2020, tổng số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cần Thơ là 430 người, tăng 106 người so với năm 2019. Số người hoàn thành khóa học nghề là 426 và số người tìm được việc làm bằng nghề đã học là 255 người.
"Để tăng sự lựa chọn nghề cho người lao động, nhất là người thất nghiệp và xu thế thị trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cố gắng đa dạng ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng tham gia về thời gian, chương trình học, lấy thực hành làm chính, vận dụng kiến thức khởi sự kinh doanh vào chương trình học, giúp học viên học xong có thể tự kinh doanh hoặc đảm bảo tay nghề khi tìm việc làm", bà Vân chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường mở mới các nghề đào tạo để phù hợp với nhu cầu của người thất nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng luôn quan tâm và chủ động phối hợp tham gia dạy nghề cho người lao động học nghề theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn có những chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo động lực cho người lao động học nghề theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp tham gia học.