Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Khi người lính trở thành doanh nhân

(Dân sinh) - Trưởng thành trong quân ngũ, thành công trong làm kinh tế thời bình, cuộc đời với cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở ở xã Hoàng Đại, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn là cả một chặng đường dài nỗ lực vượt khó vươn lên không mệt mỏi để đóng góp công sức, trí tuệ, xây dựng phát triển của quê hương.

Nỗ lực để vươn lên

Sinh năm 1953, là người anh cả trong gia đình nghèo có 6 anh em đều trưởng thành qua quân ngũ, trong câu chuyện chia sẻ về những trải nghiệm của mình ở cả hai phần đời người lính - doanh nhân, ông Nguyên Duy Nở không khỏi bồi hồi khi có ai đó hỏi về mình.

Khi người lính trở thành doanh nhân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Nở (giữa) tại lễ tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Nhớ lại những năm tháng tham gia quân ngũ, giọng trầm lại ông Nở kể: "Đầu năm 1972 tôi cùng với 4 người bạn học thủa nhỏ lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện ngắn tôi vào thẳng chiến trường Tây Nguyên, là chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 537. Bốn người bạn học nhập ngũ cùng đợt ở lại giữ đất lửa Quảng Trị. Trong 3 năm liền từ 1972 đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tôi cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Tôi vẫn còn nhớ như in vào cuối năm 1972 khi tham gia trận đánh Đức Lập, hình ảnh "anh Sơn" người đồng hương mới gặp tại chiến trường đã dũng cảm hi sinh khi ôm bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gai mở đường cho bộ đội tiến quân. Hay những đợt hành quân mà bị địch phục kích, đồng đội hi sinh phải mấy ngày sau mới bò vào được để đưa xác về. Hòa bình lập lại, tháng 10/1975 trong đợt nghỉ phép về quê tôi mới hay tin 4 người bạn đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1977, tôi chuyển ngành sang làm việc tại Công ty thi công cơ giới thuộc Bộ Xây dựng rồi nghỉ chế độ. Năm năm tham gia quân ngũ với tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm sẽ đi suốt cuộc đời bởi tình cảm của những người lính, người đồng đội lúc vui có, buồn có và cả lúc cận kề cái chết vẫn luôn dành cho nhau. Có lẽ với niềm may mắn của bản thân khi trở về lành lặn và chính những nghĩa tình nơi chiến trường đã trở thành động lực để sau này tôi cố gắng không mệt mỏi vươn lên, tri ân tới những người lính, người đồng đội đã ngã xuống…" – ông Nở chia sẻ.

Khi người lính trở thành doanh nhân - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Nở (thứ 2 từ phải qua) tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2020

Với trách nhiệm là người anh cả trong gia đình phải chăm lo cho các em khi bố mất sớm, trở về quê hương sau khi xuất ngũ cũng từ đây cuộc mưu sinh đối với người cựu binh nhiễm chất độc da cam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Nở bắt tay vào làm kinh tế gia đình, đấu thầu ao cá của tập thể bỏ hoang để nuôi cá, nuôi gà, nuôi bò, nuôi vịt. Từ nguồn vốn tích lũy ít ỏi hàng năm, ông đã mạng dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào đốt vôi, sản xuất vật liệu xây dựng, từng bước phát triển kinh doanh vận tải từ xe thô sơ đến mua xe cơ giới rồi thuê người lái, mở công ty...

ÔNG NGUYỄN DUY NỞ

Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn

  • Với sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh trong kinh doanh; nghĩa tình, trách nhiệm với xã hội, ông Nở đã vinh dự đại diện cho tỉnh Thanh Hóa 2 lần đi tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, nhận nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2019, ông vinh dự đại diện cho tỉnh Thanh Hóa nằm trong Top 100 doanh nhân được tôn vinh, được trao tặng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu toàn quốc” và cúp Thánh Gióng. Trong quá trình làm kinh tế ba lần ông được Thủ tướng tặng bằng khen. 15 năm liên tục từ 2001-2016 được Thủ tướng phong tặng ba lần danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất năm 2017. Ngoài ra ông còn được Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Hội nông dân, Hội Khuyến học, Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa… trao tặng 114 bằng khen và nhiều giấy khen.

"Năm 2002 tôi thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn. Những năm đầu thành lập, Công ty hoạt động còn khó khăn, nhưng với ý chí, bản lĩnh của một người lính đã trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước càng thôi thúc tôi quyết tâm làm kinh tế. Vượt qua mọi khó khăn thách thức của cơ chế thị trường, doanh nghiệp tôi làm chủ luôn duy trì sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hàng năm luôn mở rộng đầu tư, phát triển. Đến năm 2015 tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 tỷ đồng mở rộng kinh doanh sản xuất bê tông thương phẩm với hai dây chuyền hiện đại đủ cung ứng bê tông tươi cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Để sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu, trong năm 2018-2019 công ty đã đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản đưa dây chuyền sản xuất cát nhân tạo để chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo thân thiện với môi trường. Năm 2020, để thuận lợi cho sản xuất kinh doanh cũng như tiến độ thi công, Trạm trộn bê tông nhựa nóng gồm dây chuyền sản xuất hiện đại, máy lu nèn, san gạt…được công ty đầu tư với mức gần 40 tỷ đồng…" – ông Nở nói.

Nghĩa tình với đồng đội 

Sau gần 20 năm thành lập, Công ty TNHH Hoàng Tuấn đã phát triển và có vị thế trên thị trường. Thành công trong làm kinh tế cùng với nghĩa tình những người lính, người đồng đội đã hi sinh nơi chiến trường luôn thôi thúc ông Nở tiếp tục vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, giúp đỡ các thương bệnh binh khó khăn, tạo công việc cho con, cháu người có công với cách mạng, phụng dượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

Khi người lính trở thành doanh nhân - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Duy nở (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015

Hàng năm công ty do ông làm chủ luôn dành ra hàng trăm triệu đồng làm từ thiện, giúp đỡ mọi người. Ông coi việc mình sống sót là một đặc ân của số phận, và ông tự thấy bản thân phải biết sẻ chia mọi khó khăn cùng những đồng đội đang gặp nhiều vất vả khó khăn. 

Đạo lý đó được ông thực hiện ngay từ khi đang chập chững bước vào thương trường, ông nhường cơm sẻ áo, giúp đồng đội vợi bớt khó khăn trong cuộc sống đời thường. "Ngay từ những ngày đầu làm kinh tế, dù Công ty còn khó khăn nhưng thấy nhiều đồng đội còn khó khăn hơn mình, không có điều kiện lo cho con hay những đứa trẻ mồ côi không được chăm sóc mình cũng nhận về nuôi, rồi hỗ trợ chăm lo cho các cháu ăn ở, học hành. Trong công ty có gần 300 lao động thường xuyên thì có đến gần 200 lao động là con em các gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh. Các cháu có công việc ổn định, thu nhập bình quân từ 8-11 triệu/tháng. 

Từ năm 2010 đến nay, cùng với MTTQ và các đoàn thể TP Thanh Hóa, tôi đã làm được hàng chục ngôi nhà cho các đối tượng là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, có những ngôi nhà được xây dựng tới 150 triệu đồng/nhà. 

Hàng năm tôi tham gia nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi. Cùng với chương trình "Nâng cánh ước mơ" tôi còn giúp đỡ được 4 em học sinh đang học đại học trong 5 năm; nhận đỡ đầu 4 trẻ mồ côi tại huyện Hoằng Hóa; nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1 thương binh nặng ở xã Hoằng Đại có tỷ lệ thương tật 81%... Trong những năm qua, dù đóng góp chưa có gì đáng kể nhưng bản thân luôn có mặt và tích cực tham gia các phong trào cùng các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Đây vừa là tình cảm, là trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người lính, người đồng đội đã hi sinh vì nhân dân, đất nước…" – ông Nở chia sẻ.

Tin liên quan
Chủ động ngăn chặn “bà hỏa”

Chủ động ngăn chặn “bà hỏa”

(LĐXH) - Để phòng ngừa “bà hỏa”, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm quy...
Hiểm họa vì làm đẹp cấp tốc

Hiểm họa vì làm đẹp cấp tốc

(LĐXH) - Cận tết là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhiều cơ sở thẩm mỹ tung các chiêu quảng cáo thu hút khách như giá rẻ, đẹp ăn liền, giảm giá...