Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khoảng 2,2 tỷ USD được WB huy động cho các hoạt động trong khu vực ĐBSCL

(Dân sinh) - "Với tư cách là Đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120", bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh và cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, WB đã huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và đầu tư trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120.

"Việc ban hành Nghị quyết số 120 của Chính phủ vào tháng 11/2017 là cột mốc mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình "chủ động thích ứng với thiên nhiên"... Nhìn lại hơn ba năm thực hiện, chúng tôi xin chúc mừng toàn thể Chính phủ Việt Nam về những kết quả đạt được cho đến nay", bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay Mặt Nhóm đối tác phát triển công tác về ĐBSCL, bà Carolyn Turk Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có bài phát biểu khẳng định cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển bền vững của đồng bằng. 

Khoảng 2,2 tỷ USD được WB huy động cho các hoạt động trong khu vực ĐBSCL  - Ảnh 1.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Bà Carolyn Turk cho rằng, Nghị quyết số 120 cũng tạo cơ sở để chuyển đổi phát triển của khu vực - từ quan điểm phát triển cấp hộ canh tác quy mô nhỏ và cấp tỉnh sang quan điểm phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới; từ quan điểm phát triển ngắn hạn theo từng ngành sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.

"Với tư cách là Đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời cho biết trong giai đoạn 2015 - 2020, WB đã huy động khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động nghiên cứu và đầu tư trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120. 

Bà nêu một số thành tựu nổi bật trong quan hệ đối tác giữa các bên bao gồm việc xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành lập Hội đồng Điều phối vùng, khởi động Chương trình tổng thể Chuyển đổi Nông nghiệp, nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định cho toàn vùng, và cập nhật các chiến lược phát triển dựa trên không gian lãnh thổ cho ĐBSCL trong các lĩnh vực chính như tài nguyên nước và nông nghiệp, giao thông và kết nối, đô thị và xây dựng, và phát triển năng lượng bền vững.

Theo đó,  bà Carolyn Turk cam kết: "Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng huy động thêm tri thức và nguồn tài chính để thực hiện các tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120".

"Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội phát sinh từ biến đổi khí hậu, thay đổi về nhân khẩu học, thị trường mới trong và ngoài nước, tiến bộ về công nghệ, và địa chính trị của lưu vực sông Mekong. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này truyền đạt một số điểm mà chúng tôi (các Đối tác phát triển) cho là quan trọng để Chính phủ cân nhắc khi tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự cực kỳ quan trọng này trong tương lai", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Theo bà, việc thực hiện thành công Nghị quyết 120 và các chính sách và chương trình liên quan đòi hỏi phải tập hợp các bên liên quan nhằm xác định định hướng và mục tiêu phát triển chung cho vùng đồng bằng, xác định các ưu tiên đầu tư, phân cấp trách nhiệm và chia sẻ rủi ro và lợi ích. 

Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL, giữa các bộ, ngành trung ương, giữa trung ương và địa phương, và mối liên hệ giữa quy hoạch - tài chính - quản trị sẽ tăng cường hiệu quả cho công tác quy hoạch và kế hoạch tổng hợp, tăng hiệu quả trong thực thi ngân sách, huy động tài chính, thay đổi chính sách và khả năng cạnh tranh. 

Song song, Chính phủ cần tiếp tục hợp tác chủ động và mang tính xây dựng với các nước tiểu vùng sông Mekong để tăng cường hợp tác. 

Thêm nữa, bà Carolyn Turk cũng chúc mừng Chính phủ đã triển khai thực hiện một nhiệm vụ lớn và phức tạp – đó xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030 – “quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên” của cả nước. 

Theo đó, bà cho biết, WB sẽ khởi động hỗ trợ quá trình thực hiện Quy hoạch vùng và tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết 120 bằng cách đề xuất và kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2021 sau khi Quy hoạch vùng được phê duyệt...