Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…”

(Dân sinh) - Đằng sau mỗi tấm gương sáng được tôn vinh là hàng trăm, hàng nghìn mảnh đời được thay đổi số phận… Câu chuyện cổ tích về tình yêu thương cộng đồng được những tấm lòng cao cả mà thầm lặng ấy viết lên đẹp đẽ giữa đời thường, tại lễ Tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" lần thứ nhất vừa ra diễn ra tại Hà Nội, nghĩa cử của họ đã chạm đến nơi sâu thẳm nhất của lòng người. Dưới hàng ghế khán giả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lặng lẽ lau nước mắt…

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” - Ảnh 1.

Xúc động bởi câu chuyện cảm động của những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lặng lẽ lau nước mắt… (Ảnh: C.M.H)

Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" lần thứ nhất vừa ra diễn ra tại Hà Nội (15h00 chiều 28/11/2020) đã lay động hàng triệu trái tim qua sóng truyền hình cũng như tham dự tại Hội trường. Đây là sự kiện do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Tiếp thêm động lực, nhân rộng hơn những tấm lòng

Trao đổi với phóng viên báo Dân sinh về ý tưởng tổ chức Lễ tuyên dương này, các đại biểu tiêu biểu đều xúc động khẳng định: "Quá tuyệt vời! Rất bất ngờ! Và tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày được gặp các bạn bè từ bốn phương về đây, để thấy tình tương thân tương ái của dân tộc mình là lớn lắm", ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) một trong 50 gương mặt tiêu biểu nhận bằng khen của Thủ tướng dịp này chia sẻ.

Đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức chương trình này, ông Hiệp cười hạnh phúc: "Tôi hoạt động trong công tác này 10 năm nay, thú thật, đây là lần đầu tiên có sự kiện này và lại tổ chức lớn, quy mô, long trọng. Nên tôi rất trân trọng, và quý tấm lòng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bởi lẽ để có chương trình này, tôi hiểu, người "thiết kế" thầm lặng đằng sau sự kiện là tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung. Cảm ơn ông đã có những sáng kiến hay, và thật sự có tâm huyết. Chương trình tiếp thêm động lực, nhân rộng hơn những tấm lòng, sẻ chia, giúp đỡ những phận người…", ông Bùi Công Hiệp xúc động nói.

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt và khen thưởng 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng chiều 27/11/2020 (Ảnh: Mạnh Dũng)

"Cô biết không, khi được báo ra Hà Nội trao bằng khen, bất ngờ lắm. Bản thân tôi rất xúc động, các con tôi vui sướng: "Bố ơi, bố ra Hà Nội, Thủ tướng trao bằng khen đấy. Bố cho con theo với", người đàn ông ngoài 60 tuổi, cười nhân hậu và đưa tay ngăn giọt nước mắt vui mừng xen lẫn xúc động đang chực rơi nơi khóe mắt.

Cũng chia sẻ cảm xúc có mặt trong 400 tấm gương tôn vinh lần này, cô Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo, ấp Rạch Bảy, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) rơi nước mắt vì hạnh phúc, cô nói: "Tôi cũng không nghĩ mình được ra Hà Nội, được nhận bằng khen của Thủ tướng".

Cô Hồng kể, khi đó đang ở quê, nhận được điện thoại của Sở LĐ-TB&XH là được ra Hà Nội dịp này, ngỡ ngàng, bất ngờ hết sức: "Xúc động lắm, mấy đêm không ngủ được vì vui, và nghĩ mãi, việc làm của mình rất nhỏ bé mà được tôn vinh thế này, trong khi có nhiều, nhiều lắm những tấm lòng trong xã hội khác còn làm được nhiều việc lớn lao hơn", cô thành thật chia sẻ.

"Tôi cảm ơn Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc gặp ý nghĩa như thế này. Tôi tin, sức lan tỏa của chương trình sẽ rất rộng lớn, nối dài hơn những tấm lòng, và bản thân chúng tôi cũng sẽ làm nhiều việc ý nghĩa hơn cho cộng đồng", người phụ nữ dốc tiền ít ỏi, đất đai của mình tự xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi lang thang, không nơi nương tựa bày tỏ chân thành.

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Hồng (tỉnh Đồng Nai) một trong 50 gương mặt tiêu biểu nhận Bằng khen của Thủ tướng (Ảnh: Mạnh Dũng)

Cũng chia sẻ về niềm vui bất ngờ được có mặt trong 400 gương sang thầm lặng, "hiệp sĩ bóng đêm" trẻ tuổi Lê Anh Tuấn sinh năm 1997 cho rằng, anh thật sự yêu thích sự kiện này, vì cho anh cơ hội gặp gỡ với bao tấm lòng nhân hậu, để anh thấy cuộc sống thật là "cao quý, tốt đẹp".

Chàng trai trẻ vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng dịp này, vốn suốt 3 năm qua, chạy hơn 500 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện bày tỏ, trước hết cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, và cụ thể, "tôi cảm ơn Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan trực tiếp tổ chức chương trình này, đã lan tỏa được giá trị sâu sắc về tình tương thân tương ái".

Vẻn vẹn một câu, nhưng chan chứa nhiều cảm xúc, gương sáng Đoàn Thị Khuyên (Hải Phòng) rưng rưng: "Một chương trình vô cùng xúc động, quá nhiều cảm xúc đối với tôi…"

"Hồi sinh" cho nhiều cuộc đời

Là một nhân vật tiêu biểu được lựa chọn để bước lên sân khấu của "Lễ Tuyên dương 400 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", người đàn ông bé nhỏ Nguyễn Trung Chắt - Giám đốc Trung tâm Hy vọng (tỉnh Lạng Sơn) khiến hàng triệu người xem trực tiếp qua sóng truyền hình rơi nước mắt.

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trung Chắt và "các con" hạnh phúc và xúc động gặp lại nhau trên sân khấu, làm lay động khán giả tại chương trình (Ảnh: D. Trí)

Ông là cựu chiến binh già (75 tuổi) đã làm được những chuyện khó tin, một mình xây dựng các Trung tâm "Hy vọng" nuôi dạy gần 300 đứa trẻ bất hạnh. Tận tâm, kỳ công nuôi dạy, ông Chắt đã thay đổi số phận cho nhiều người, thậm chí hồi sinh cho nhiều cuộc đời.

Đánh giá cao ý tưởng tổ chức chương trình, ông Bùi Công Hiệp: "Tôi hoạt động trong công tác này 10 năm, đây là lần đầu tiên có sự kiện này và tổ chức lớn, quy mô, long trọng.

Nên tôi rất trân trọng, và quý tấm lòng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bởi lẽ để có chương trình này, tôi hiểu, người "thiết kế" thầm lặng đằng sau sự kiện là tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung.

Cảm ơn ông đã có những sáng kiến hay, và thật sự có tâm huyết. Chương trình đã tiếp thêm động lực, nhân rộng hơn những tấm lòng, sẻ chia, giúp đỡ những phận người…"

Món quà bất ngờ nhất đối với ông, và khắp hội trường lặng đi khi xuất hiện tại chương trình những "đứa con" đã trưởng thành từ mái ấm "Hy vọng" của ông.

Bao năm qua đi, những người con của ông đã nên người, có em đi học đại học, có em thì học nghề, thậm chí, có em còn nhận bằng thạc sỹ. Dù là ai, ông vẫn không quên, đọc rõ tên tuổi.

"Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn đủ mặc. Hôm nay thì thực sự bất ngờ, cảm động vì thấy các con mặc áo dài. Tôi rất tiếc vì chưa từng may được cho các con những tấm áo dài trắng đẹp như vậy...", ông Chắt xúc động.

Cũng tại đây, những đứa con của ông tặng "cha" một chiếc áo sơ mi, với những lời sâu thẳm tự đáy lòng: "Chúng con - những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng, nhớ như in năm xưa bác đã mua cho chúng con từng đôi tất, đôi giày, tấm áo, chưa lần nào bác tự mua sắm cho mình thứ gì. Những lúc đó, chúng con mải vui sướng, chưa một lần ngoảnh lại nhìn bác, quên mất bác đang mặc chiếc áo sơ mi sờn vai, đôi giày cũ…"

Lời chia sẻ của những "đứa con" đã khiến nhiều đại biểu trong lễ tôn vinh không nén được xúc động. Nhiều người rơi nước mắt. Trong khoảnh khắc ấy, máy quay kịp ghi lại Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lặng lẽ vội lau dòng nước mắt…

Lan tỏa rộng lớn những tấm lòng “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” - Ảnh 6.

Những tấm gương sáng và các đại biểu tại Lễ Tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" (Ảnh: Mạnh Dũng)

Đây chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện cảm động trong Lễ Tôn vinh 400 gương sáng vì cộng đồng. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, là một nghĩa cử cao đẹp của mỗi cá nhân dành cho cộng đồng, xã hội. Tất cả những tấm gương ấy như những bông hoa đẹp, góp phần làm nên cuộc đời đầy hương sắc.

Hay ông Nguyễn Văn Quản, sinh năm 1964 lại là một tấm gương đặc biệt khác. Vốn từng là người lính, hai phần ba quãng đời ông Quản đi cùng đồng đội chiến đấu, xây dựng quê hương, đất nước, trở về quê hương hơn 25 năm nay ông dành toàn bộ phần đời còn lại của mình để trông coi Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, lưu giữ tất cả những manh mối có thể lưu được để đến ngày nào đó, tất cả dữ liệu ấy có thể giúp họ tìm lại thân nhân…

Lặng lẽ tỏa sáng, không đòi hỏi vinh danh

400 gương mặt tiêu biểu rạng rỡ và bình dị đến dự Lễ tuyên dương, như chính những tấm lòng cao cả nhưng thầm lặng của họ với cộng đồng. Họ đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực khác nhau.

Họ là những nhà thiện nguyện, hảo tâm, lặng lẽ tỏa sáng, không đòi hỏi vinh danh, biểu dương, là những minh chứng tuyệt đẹp của tình nhân ái - mở ra một thế giới của ánh sáng, niềm tin và hy vọng cho biết bao mảnh đời…

Chính họ đã trao cho hàng nghìn mảnh đời bất hạnh cơ hội làm lại cuộc đời; nhận nuôi hàng trăm trẻ bơ vơ, bị bỏ rơi, nuôi ăn học để mai này trở thành người có ích; hay dành toàn bộ phần đời còn lại của mình để chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, đi tìm đồng đội….

Họ đã tạo nên những câu chuyện cổ tích về lòng nhân ái giữa đời thường, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đầy cảm động.

Đánh giá cao ý nghĩa của Lễ tuyên dương và hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình giàu tính nhân văn, tại buổi gặp mặt và khen thưởng 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: "Bộ LĐ-TB&XH cần tổ chức sự kiện này thường xuyên hơn, quy mô hơn để những tấm gương sáng như vậy lan tỏa rộng hơn".

Nhưng hành trình của những tấm lòng cao cả ấy, sau lễ tôn vinh, cũng chưa bao giờ là kết thúc, vẫn tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Họ chính là trái tim Đan kô thắp sáng cho nhiều mảnh đời, cho họ cuộc đời, tương lai phía trước.

Đúng như lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tôn vinh: "400 tấm gương sánh là biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh…"