Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19) gây ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh; Sở đã in hơn 3.000 tờ rơi và poster tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và cấp phát cho các đơn vị, cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng đối tượng chính sách trực thuộc Sở.
Sức khoẻ của đối tượng chính sách được đảm bảo
Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở, cũng như để đảm bảo sức khoẻ cho các đối tượng, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo, như: phun thuốc khử trùng, xử lý môi trường thường xuyên, cứ 2 ngày lại xử lý 1 lần; mua dung dịch diệt khuẩn và hướng dẫn các đối tượng thường xuyên rửa tay sạch sẽ, phòng, chống virus Corona; tạm ngừng hoạt động thăm nuôi, hạn chế cho các đối tượng tiếp xúc với người bên ngoài,…
Tại các đơn vị khác như Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội, Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc Người có công tỉnh, các cơ sở bảo trợ xã hội khác cũng đã nhờ đơn vị phòng chống dịch đến phun thuốc khử trùng toàn bộ trung tâm; cho cán bộ vệ sinh nơi ở của đối tượng và nơi làm việc; dán áp phích thông tin về dịch bệnh và hướng dẫn đối tượng đang được nuôi dưỡng, quản lý tại đơn vị cách rửa tay với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn; thường xuyên theo dõi sức khoẻ của các đối tượng,...
Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc Người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã lùi lịch điều dưỡng tập trung cho đối tượng Người có công năm 2020 từ tháng 2 đến tháng 3/2020. Đối với các đối tượng Người có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, đơn vị đã tổ chức phổ biến về những việc được làm và không được làm trong thời điểm có dịch bệnh; theo dõi kỹ sức khoẻ của người có công về quê ăn tết trở lại Trung tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thăm khám cho người có công theo định kỳ 2 lần/ngày đối với trường hợp bình thường; thông báo đến người có công về việc hạn chế ra ngoài. Trường hợp không thể hạn chế thì áp dụng ngay chế độ theo dõi đặc biệt về tình hình sức khoẻ. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức nấu ăn sáng tại đơn vị, đảm bảo vệ sinh, khử độc và an toàn – vệ sinh thực phẩm,…
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế cũng đã có công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh và chỉ đạo của cơ quan chuyên môn y tế, cơ quan có thẩm quyền, xem xét cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh; đồng thời điều chỉnh kế hoạch đào tạo của chương trình trong năm học theo thẩm quyền. Theo ông Nguyễn Văn Thoản, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế), hiện nay tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid - 19. Một số cơ sở đã tổ chức dạy học online đối với những môn học nặng về lý thuyết, hoặc nhà trường cảm thấy cần thiết và có thể đảm bảo truyền tải được kiến thức đến người học.
Trong thời gian nghỉ học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử trùng; hướng dẫn các học viên, giáo viên các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cá nhân và cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh.
Phòng, chống dịch vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3.560 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng hơn 97.000 lao động tham gia làm việc. Qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng đối với cách doanh nghiệp lớn, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh tý 2020 và chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh, song sự biến động lao động tại Thừa Thiên - Huế không lớn, hầu hết người lao động đã trở lại làm việc bình thường; chỉ có 434 lao động nghỉ việc.
Đối với các trường hợp lao động người nước ngoài trở lại làm việc sau Tết (có 10 lao động người Trung Quốc về quê ăn Tết nhưng đã trở lại Thừa Thiên – Huế làm việc sớm) đều được kiểm tra về sức khoẻ cũng như được quản lý chặt chẽ suốt thời gian vừa qua. Đến nay, các trường hợp lao động này đều không có biểu hiện bất thường nào về sức khoẻ.
Sở cũng đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH cũng như của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc tạm ngưng cấp giấy phép lao động mới cho người lao động Trung Quốc, người trở về từ vùng có dịch bệnh….
Về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chuyển đổi hình thức các sàn giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm từ hình thức truyền thống sang trực tuyến online.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế, đầu năm mới, trên 30 đơn vị đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm, như: Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Công ty CP Dệt may PPJ, Nhà máy May Quảng Điền; Công ty TNHH Billion Max Việt Nam, Tập đoàn FLAMINGO… với hơn 1.000 vị trí việc làm thuộc ngành điện tử, khách sạn, dịch vụ nhà hàng, may mặc, xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo kế hoạch, tháng 2 năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các phiên giao dịch việc làm đều phải hoãn.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế cho biết: "Mặc dù ảnh hưởng do dịch cúm Corona nhưng nhu cầu việc làm và tuyển dụng lao động vẫn nhiều. Không tổ chức các hoạt động giao dịch đông người, trung tâm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn trực tuyến để kết nối việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Các thông tin tuyển dụng đều được trung tâm thông báo qua website, facebook và niêm yết trên bảng tại trung tâm. Người lao động có thể tìm kiếm các vị trí việc làm thích hợp và đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm".
Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế) cho biết thêm, hiện nay công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Trong tháng 1/2020, đã có 66 lao động Thừa Thiên – Huế đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn, trong đó phần lớn là thị trường Nhật Bản.