Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Để thương, bệnh binh an lòng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - “Hiện nay số thương, bệnh binh tham gia kháng chiến không còn nhiều, phần lớn tuổi đã cao nên cần phải có sự quan tâm đặc biệt hơn, nhanh chóng hơn để thương binh, bệnh binh, người có công được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước tương xứng với sự phát triển đi lên của đất nước và đời sống của nhân dân”, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ.

2.jpg
Trước khi tặng quà, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm người có công thuộc Trung tâm. (Ảnh: Minh Hoàng).

 

Nhân Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), chiều ngày 24/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, tặng quà người có công Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (thuộc Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH); và thăm mẹ Việt Nam anh hùng ở khu phố Hoàng Xá, phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).

Tham gia Đoàn công tác có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; 

Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn…; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ ban ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.

3.jpg
Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm sức khỏe các thương bệnh binh. (Ảnh: Minh Hoàng).
chu-tich-nuoc-to-lam.jpg

Quan tâm đặc biệt hơn, nhiều hơn với các thương, bệnh binh

Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Chủ tịch nước và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương và ghi nhận những kết quả công tác thương, bệnh binh, người có công mà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành và Bộ LĐ-TB&XH đạt được trong thời gian qua.

Xúc động được trở lại thăm các thương binh nặng đã cống hiến một phần xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ cha anh đi trước, chiến sĩ, đồng bào, gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công trên toàn quốc đã cống hiến, hy sinh vì độc lập cho đất nước. 

5.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà người có công và cán bộ, nhân viên Trung tâm.
4.jpg
Ảnh: Minh Hoàng

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh Trung tâm đã có nhiều cố gắng, nêu cao tinh thần "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", làm tốt công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, duy trì cuộc sống tuổi già an vui, khỏe mạnh cho thương, bệnh binh.

Đồng thời, quan tâm thúc đẩy xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất nửa thế kỷ, hiện nay số thương, bệnh binh tham gia kháng chiến không còn nhiều, phần lớn tuổi đã cao nên cần phải có sự quan tâm đặc biệt hơn, nhanh chóng hơn để thương binh, bệnh binh, người có công được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước tương xứng với sự phát triển đi lên của đất nước và đời sống của nhân dân”, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

6.jpg
Chủ tịch nước và các đại biểu tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cược (sinh năm 1930). (Ảnh: Minh Hoàng).

Chính sách người có công luôn được ưu tiên cao nhất

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là cơ sở chăm lo thương binh của Bộ, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ. 

Báo cáo Chủ tịch nước, Bộ trưởng cho biết: “Thời gian qua thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Pháp lệnh người có công; cùng với sự quan tâm đặc biệt dành cho người có công và thân nhân người có công của Đảng, Nhà nước, các chính sách với người có công đến nay được triển khai cơ bản trên quy mô cả nước một cách đầy đủ, kịp thời”.

Có thể nói, chính sách người có công luôn được ưu tiên cao nhất trong các chính sách xã hội.

Theo Bộ trưởng, việc chăm sóc các thương bệnh binh là nghĩa vụ và tình yêu dành cho những người đã hi sinh cả thanh xuân cho Tổ quốc độc lập, tự do. Hiện cả nước có 62 cơ sở điều dưỡng thương binh cả nước, trong các Trung tâm này có 5 trung tâm thuộc Bộ.

Hiện ở các Trung tâm, số thương binh nặng từ 81% trở lên tại các cơ sở là khoảng 1.500 thương, bệnh binh; cá biệt có các thương, bệnh binh dưới 81% không còn thân nhân, và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định đưa các bác vào các Trung tâm để chăm sóc.

Bộ trưởng cho rằng, với tất cả tâm huyết và trách nhiệm, các Bộ, ngành, địa phương… sẽ luôn dành hết sức mình để các bác đang điều dưỡng tại các Trung tâm luôn an lòng với sự quan tâm của Đảng Nhà nước.

Từ đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân, tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống các trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh trên cả nước; đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng và củng cố cơ sở, vật chất để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, điều trị cho thương, bệnh binh trên cả nước phù hợp với tình hình mới.

8.jpg

Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu chụp ảnh chung với gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cược. (Ảnh: Minh Hoàng).

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm và các ban, bộ, ngành Trung ương đã tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành và các thương binh đang điều dưỡng tại Trung tâm.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước và các đại biểu đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cược (95 tuổi, có 2 con là liệt sĩ ở thôn Hoàng Xá, xã Ninh Xá, thị xã Thuận Thành).

Tại đây, Chủ tịch nước trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh lớn lao nhưng thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.