Vinh dự trong nhóm nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã chụp bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”.
Khoảnh khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975
“Tôi đã ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 - 1973, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975; có mặt tại thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979 khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng những năm 80 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới… trong đó có rất nhiều khoảnh khắc không thể nào quên”…

Trong căn nhà ở khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 4, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, khốc liệt từ thành cổ Quảng Trị cho tới buổi trưa lịch sử ngày 30/4/1975, tất cả ùa về sống động qua giọng kể của nhà báo tuổi đã ngoại thất thập.
Tôi còn nhớ những ngày đầu năm 1972, lần đầu vào giới tuyến. Bên dòng Bến Hải, tôi đã ghi nhật ký: “Mặt sông loang loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ…”
Xung phong vào chiến trường miền Nam từ năm 1972, nhà báo Trần Mai Hưởng nằm trong nhóm phóng viên mũi nhọn gồm: Nhà báo Vũ Tạo (tổ trưởng), nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm, nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Họ đã gặp Sư đoàn 304, đi theo xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn 66 bộ binh.
Nhớ lại sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, ông đã có mặt ở căn cứ Nước Trong và chứng kiến những trận đánh khốc liệt cuối cùng ở đây để giải phóng cứ điểm vòng ngoài, tạo điều kiện tiến vào thành phố. Để đảm bảo cho xe tăng hành tiến thông suốt, các đơn vị tác chiến đã âm thầm bảo vệ các cầu trên xa lộ, cùng với pháo binh yểm trợ chi viện cho mũi thọc sâu.
“Chúng tôi tham gia cùng mũi đột kích ấy. Ngay từ lúc bắt đầu xuất quân, chiều 29/4/1975, từ các cánh rừng cao su, xe tăng chúng ta tập kết và hành quân cùng với lực lượng bộ đội đi xe thiết giáp và các xe vận tải quân sự. Đoàn quân mang theo cờ bay trong nắng, với khí thế rất hào hùng.
Mọi người đều cảm thấy một điều rất rõ là sắp đến thời khắc giải phóng Sài Gòn, sắp đến giờ phút kết thúc chiến tranh. Đêm 29/4/1975, mọi người ngủ lại bên kia sông Đồng Nai và chờ đến sáng 30/4/1975 tiến qua cầu Xa lộ vào thành phố”, ông Hưởng nhớ lại.
Sáng 30/4/1975, trên đường tiến quân vào Sài Gòn vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng, đó là trận đánh ở Thủ Đức. Khi đánh trên cầu Rạch Chiếc, trên sông Sài Gòn, xe tăng của ta phải hạ thấp nòng để bắn tàu địch đang chạy ra biển. Đã có những chiến sĩ ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn.
Khi xe com-măng-ca chở nhóm phóng viên mũi nhọn tiến vào gần thành phố, đối phương vẫn tiếp tục nhả đạn. Chiếc xe chở nhóm phóng viên phải áp sát vào xe tăng để tránh đạn.
Nhưng khi vào đến thành phố là một quang cảnh hoàn toàn khác. Người dân hồ hởi ùa ra đường chào đón đoàn quân giải phóng. Họ ôm lấy bộ đội, bắt tay tươi cười và ca hát.

Giữa trưa 30/4/1975, cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là cánh quân đầu tiên tới Dinh Độc Lập. Chiếc xe chở nhóm phóng viên cũng đã kịp đến Dinh Độc Lập. Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, đây là những phóng viên đầu tiên có mặt tại Dinh.
“Khi tới Dinh Độc Lập thì một số xe tăng của quân ta đã có mặt, hội quân tại đây. Tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh”, ông Hưởng hồi tưởng.
Trong ký ức của ông vẫn còn in đọng hình ảnh lúc ấy, nắng trưa rực rỡ, một chiếc xe tăng mang số hiệu 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2), là chiếc thứ 4 trong đoàn xe 7 chiếc thuộc đội hình tiến vào cổng chính của Dinh Độc Lập.
Một hình ảnh rất đẹp, mà sau này trong hồi ký “Năm tháng xa xanh”, nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết: “Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo”.
Theo phản xạ của người làm báo, nhà báo Trần Mai Hưởng nhanh tay đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy. Và đó chính là sự ra đời của bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975".
Sau đó, ông chuyển phim và bài viết ra Hà Nội, TTXVN đã phát đi hình ảnh “có một không hai” này và được các cơ quan truyền thông trong, ngoài nước sử dụng rộng rãi.
Bức ảnh đắt giá sau này đã trở thành biểu tượng của Đại thắng mùa Xuân. Dù vậy, ông Hưởng chia sẻ một cách giản dị: “Thời điểm ấy, tôi thấy đẹp thì chụp thôi. Ai đứng ở vị trí của tôi lúc đó thì đều chụp được bức ảnh như thế. Tôi hoàn toàn cho đó là sự may mắn của số phận”…

Cuộc hội ngộ hiếm có tại Dinh Độc Lập
Đã có rất nhiều phóng viên chiến trường có mặt trong thời khắc lịch sử 30/4/1975 nhưng hiếm có gia đình nào mà cả hai anh em ruột đều là phóng viên của TTXVN và đều có mặt tại Dinh Độc Lập để ghi lại sự thật vào thời khắc lịch sử ấy.
Anh trai của ông, cố nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người đầu tiên tường thuật chiến thắng tại Dinh Độc Lập còn Trần Mai Hưởng là người chụp bức ảnh “Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”.
Nói về cuộc hội ngộ với anh trai ngay trong ngày giải phóng tại Dinh Độc Lập, ông Hưởng kể, trước đó, ngày 25/3/1975, trong một cuộc họp của các thành viên TTXVN tại Huế hai anh em ông đã gặp nhau nhưng do thời gian gấp nên chỉ kịp nhìn nhau rồi lại chia tay.
Thật bất ngờ, hơn một tháng sau, hai anh em lại hội ngộ tại Dinh Độc Lập và đều có những tác phẩm báo chí để đời trong sự kiện lịch sử này.
“Việc hai anh em gặp được nhau tại Sài Gòn, ngay Dinh Độc Lập trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước, tôi nghĩ đúng là có sự may mắn và do sắp đặt của số phận. Bởi giữa chiến trường ác liệt, tên rơi đạn lạc, nhưng cả hai anh em đều không làm sao, lành lặn trở về nhà”, ông Hưởng mỉm cười nói.
Cuối năm 2023, nhà báo Trần Mai Hưởng ra mắt “Hồi ký phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình”. Ông viết những dòng hồi ức này khi đã ở tuổi ngoài 70. Cuốn hồi ký đó như một thước phim quay chậm qua những tháng năm với nhiều sự kiện, những gương mặt đã đi qua cuộc đời ông.
“Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để theo nghề báo. Công việc đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, được trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Đối với tôi, đấy thực sự là một may mắn lớn”, nhà báo lão thành bày tỏ.
Ông khẳng định rằng chính công việc của một phóng viên Thông tấn đã cho ông những cơ hội nghề nghiệp, được chứng kiến những sự kiện, những đổi thay của cuộc sống và góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung.
“Những năm tháng chiến tranh đã giúp chúng tôi rèn luyện. Chính bản lĩnh sống, những giá trị, phẩm chất hình thành từ những năm tháng ấy là điểm tựa cho mỗi người cả trong những năm tháng hòa bình sau này”.
Đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng, đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người, chứng kiến nhiều đồng nghiệp đã ngã xuống trên chiến trường với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở.
Chính vì vậy, nhà báo Trần Mai Hưởng tâm niệm: “Với một người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay”…
Thái An
Báo Lao động Xã hội
Số Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5