Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, trong căn nhà khang trang trên phố Đỗ Đức Dục, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, ông Hoàng Ngánh (sinh năm 1936, thương binh 4/4), là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy, vẫn còn rất minh mẫn, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông kể, năm 1954, khi ấy ông mới chỉ 17 tuổi, mang theo hành trang là độ tuổi đẹp nhất của một đời người, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông lên đường nhập ngũ vào Đại đội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312.
Đó là vào tháng Giêng năm 1954, khi ấy, ông cùng đồng đội được điều lên Điện Biên ngay, để làm đường, đào hào, kéo pháo, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu.
Ở tuổi 85, tuy mắt đã mờ, chân tay đã yếu, nhưng trong trí nhớ của người chiến sĩ Điện Biên, ký ức về chiến dịch Điên Biên Phủ năm ấy vẫn còn vẹn nguyên, được ông kể rành mạch.
“Ngày 13/3/1954, chúng tôi đánh vào đồi Him Lam. Ngày 15/3 đánh vào đồi Độc Lập, sau đó chúng tôi tiến vào trung tâm bao vây, bức hàng ở cứ điểm Bản Kéo.
Địch hàng rồi, chúng tôi cắt sân bay, làm sân bay tê liệt, để địch không sử dụng được. Sau đó, triển khai đi phòng ngự, đánh địch ở Mường Thanh, tiếp đến là các điểm tựa xung quanh Điện Biên.
Ngày ấy, khi ta đánh, địch đã làm trận địa rất kiên cố, hiện đại, đem máy móc vào đào hầm, rồi đưa quân lên. Nơi nào cũng bố trí các điểm tựa xung quanh để quân ta không vào được.
Khi đó, đơn vị tôi đánh 10 điểm tựa ở đồi 506, đánh đến điểm tựa thứ 10 thì địch núng thế, đầu hàng chiều 7/5/1954”, ông Ngánh kể lại.
Ông bảo, ngày ấy với những chiến sĩ tham gia chiến dịch, dù gian khổ, chiến trường ác liệt, mạng sống có khi chỉ tính bằng giờ, bằng phút nhưng hơn lúc nào hết, các chiến sĩ bộ đội ta luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bất cứ lúc nào.
“Pháo binh địch dội liên tục ngày đêm, thép gai chằng chịt, mìn như ngô rải trên mặt đất… Chúng tôi phải khoét núi, đào hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu, bùn trộn đầy dưới chân mình, dành từng cứ điểm, từng chiến hào, từng khu vực, dần dần làm địch suy yếu rồi đầu hàng”, ông Ngánh nói.
Một thoáng nhìn xa xăm, giọng người chiến sĩ Điện Biên năm nào như nghẹn lại, khi nhớ về những đồng đội ở chiến trường Điện Biên Phủ năm ấy.
“Người hy sinh nhiều vô kể, họ đều là những chiến sĩ, đồng đội tôi đã gửi lại thanh xuân, tuổi trẻ của mình nơi đó”, ông Ngánh xúc động.
Bàn tay run run chỉ vào những tấm huân, huy chương, huy hiệu được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, dừng lại ở tấm có khắc hình bác hồ, đôi mắt người chiến sĩ Điện Biên ánh lên niềm tự hào kể về lần được gặp bác Hồ sau chiến thắng Điện Biên Phủ…
Cũng như ông Hoàng Ngánh, ký ức về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đối với ông Đồng Quang Vinh (sinh năm 1937, thương binh ¾) ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng là những ngày tháng chưa bao giờ quên.
Ở tuổi xưa nay hiếm, người chiến sĩ Điên Biên năm ấy vẫn còn nhớ như in những ngày tháng đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông vào bộ đội năm 1953 khi vừa tròn 16 tuổi và được phân công về Sư đoàn 350, Trung đoàn 94 thuộc Quân khu 5. Vào bộ đội không được bao lâu sau, ông cùng đồng đội được điều ra Điện Biên tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến tranh đâu chỉ có mất mát, hy sinh, gian khổ ngày ấy khắc sâu trong trí nhớ của người chiến sĩ già.
“Ngày ấy muốn đánh vào đồn của địch, bộ đội ta phải đào giao thông hào. Khi đến gần vị trí của địch, để không bị phát hiện, chúng tôi phải đào hào vào ban đêm. Một số khác thì kéo pháo từ dưới đồng bằng lên. Chiến trường thì ác liệt, gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhụt chí, chùn bước”, ông Đồng Quang Vinh nói.
Dù không trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Điên Phủ, ông Nguyễn Hồng Lan (sinh năm 1930, phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi ấy là bộ đội thuộc Quân khu 5.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, các chiến trường phối hợp để kéo lực lượng của địch phân tán sức mạnh, đơn vị của ông được chỉ đạo đánh vào thị xã Kon Tum.
Ông kể, ngày ấy ở tiểu đoàn pháo, vì không có xe kéo, pháo đều được tháo ra và được bộ đội cho lên vai vác lên núi, rồi lại xuống đồng bằng.
“Tôi nhớ mãi đồng đội tôi khi vác pháo đi qua một cây cầu thì chẳng may cầu bị sập, người đồng đội của tôi đã bị mất luôn một bên tai”, ông Lan nhớ lại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi, ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở đó, những cống hiến, hy sinh to lớn của các chiến sĩ Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã góp phần cùng quân và dân ta làm nên lịch sử.
Ông Huỳnh Bá Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 24 cụ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống.
Thời gian qua, ngoài phối hợp với ban liên lạc Điện Biên Phủ để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các cụ, nhằm tri ân sự cống hiến của các cụ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội Cựu chiến binh thành phố đã tham mưu Thành uỷ, UBND thành phố và các địa phương, tổ chức thăm hỏi sức khoẻ, động viên, tỏ lòng biết ơn những hy sinh, mất mát của các cụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.
“Chúng tôi rất vui khi thấy các cụ dù tuổi đã cao, nhiều cụ sức khoẻ vẫn rất tốt và còn minh mẫn. Các cụ luôn giữ vững bản chất, truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ, thường xuyên có những ý kiến tâm huyết tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của chính quyền địa phương.
Không những vậy, các cụ còn luôn nhắc nhở con cháu, cũng như thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng nói.
Bùi Minh