Nhờ vậy, việc triển khai chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Toàn tỉnh có 9.309 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, với tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 180 tỷ đồng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì thường xuyên như: Đóng góp quỹ, xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.
100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời. Kiên Giang có 100% xã, phường được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ nhà tình nghĩa cho 1.500 hộ người có công với cách mạng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết được duy trì thường xuyên góp phần chăm lo đời sống tinh thần người có công và thân nhân.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ được tỉnh chú trọng thực hiện.
Từ năm 2020 đến nay, Kiên Giang đã tiếp nhận, truy điệu, an táng 337 hài cốt liệt sĩ.
Năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 32/ NQ-HĐND ngày 14/11/2021 của HĐND tỉnh Kiên Giang chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ nhà ở người có công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai công tác xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa.
UBND các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai các xã, phường, thị trấn thực hiện, đến nay cơ bản đạt 100% chỉ tiêu.
Kết quả, UBND các huyện, thành phố đã triển khai và bàn giao 592/592 căn nhà, trong đó: Xây dựng mới 341 căn, sửa chữa 251 căn với tổng kinh phí đầu tư 31,4 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch).
Ngoài ra, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể vận động thân nhân gia đình bổ sung kinh phí xây dựng với số tiền 28,9 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã thực hiện tốt như: Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Minh, Hòn Đất và TP Phú Quốc.

Ngày 8/1/2024, tại huyện Giang Thành, công trình Đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C vừa được tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường 1C được hình thành và hoạt động từ giữa tháng 7/1967 đến cuối năm 1975 để vận chuyển phương tiện chiến đấu từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Công trình gồm các hạng mục chính như: Cổng tam quan, đền thờ, nhà bia, kè bờ sông…
Được biết, các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá - Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh có hơn 800 thanh niên xung phong. Theo thống kê chưa đầy đủ, gần 400 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, trên 50 người vẫn chưa tìm được hài cốt.
Trong những ngày tháng 4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã diễn ra “Tết quân - dân năm 2024” với sự tham dự của đại diện chính quyền, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và người dân xã An Minh Bắc.
Với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, “Tết quân - dân năm 2024” mừng Chôl Chnăm Thmây có nhiều hoạt động chăm lo đời sống người dân, nhất là đồng bào Khmer như: Triển khai xây dựng 34/32 căn nhà cho hộ Khmer (vượt kế hoạch 2 căn nhà); tặng 630 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, dân quân tự vệ, dự bị động viên và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi;
Tổ chức trồng tuyến đường hoa, kéo điện thắp sáng đường quê; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 400 lượt người dân; tặng 300 bình lọc nước, 15 xe đạp, 1.000 suất cơm chay...
Dịp này, Sở LĐ- TB&XH tỉnh Kiên Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang tặng 40 suất quà, học bổng cho chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên, gia đình chính sách, người có công, học sinh vượt khó học tốt trên địa bàn xã An Minh Bắc.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện Gò Quao phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Toàn huyện có 2.957 liệt sĩ, 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 286 mẹ Việt Nam anh hùng (10 Mẹ còn sống), 6.246 người hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương và các chế độ chính sách khác. Huyện có 2 nghĩa trang liệt sĩ, 2 nhà bia ghi công liệt sĩ.
Gò Quao đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 1976. Đồng thời, nơi đây cũng là vùng rải thảm chất độc hóa học của quân đội Mỹ nên những di chứng, bệnh tật vẫn còn hiện hữu…
Ngoài ra, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu đề án xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ sớm trước 2 năm.
Kết quả đã xây dựng mới 1.237 căn, sửa chữa 995 căn nhà cho gia đình chính sách với tổng kinh phí 81,75 tỷ đồng (vượt 23,31% so với đề án được duyệt).
Đến nay, công tác khảo sát nhà giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành với 592 căn xây mới, 565 căn sửa chữa cho các đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định hiện hành.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công; tổ chức và phối hợp thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Trí Minh
Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5