Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Lặng thầm công việc quản trang

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Làm quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ là nghề đặc biệt, ngày đêm thầm lặng “canh giấc” cho các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ. Với họ, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hơn 30 năm chăm sóc phần mộ liệt sĩ

Đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hôm nay, chúng ta có thể cảm nhận được sự khang trang, sạch đẹp của các khu mộ, phần mộ, nhà bia ấm cúng của các tỉnh, thành phố và hàng cây xanh tươi bốn mùa…

Đó là nhờ công sức của 15 cán bộ, nhân viên Ban quản lý (BQL) Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã ngày đêm chăm sóc chu đáo nơi yên nghỉ của 10.263 ngôi mộ anh hùng liệt sĩ là con em từ các địa phương trong cả nước đã chiến đấu, hy sinh và nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị trong khuôn viên rộng 39,6ha.

Anh 1 bai quan trang OK.jpg
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn quản lý, chăm sóc 10.263 mộ liệt sĩ. Ảnh: Thành Cường

Ông Hoàng Văn Minh, Phó trưởng BQL Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn cho biết, ông làm việc tại đây hơn 30 năm, nay được giao phụ trách BQL. Với ông, đây là công việc ý nghĩa nhân văn, trách nhiệm với các liệt sĩ.

Nhiều năm làm nhiệm vụ chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hướng dẫn cho khách và thân nhân đến thăm viếng, ông Minh chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của người nhà, đồng đội liệt sĩ tìm được nhau cùng nhiều chuyện tâm linh xúc động mà chính ông và những người quản trang đã chứng kiến và không thể lý giải được. 

Ngày mới vào nhận nhiệm vụ tại nghĩa trang (năm 1993), khi đứng trước hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ, ông Minh có phần bị “ngợp”. Tuy nhiên, ngày ngày làm việc trong nghĩa trang với suy nghĩ nếu không có những người nằm dưới mộ thì chắc hẳn không có ngày hôm nay nên ông nhận thức việc chăm sóc phần mộ là cách để tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước. 

Ông Minh cho biết, công việc quản trang không hề nhẹ nhàng nhưng với tấm lòng biết ơn sâu nặng các anh hùng liệt sĩ, bản thân ông đã cùng tập thể cán bộ viên chức BQL Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, quyết làm hết sức mình để nghĩa trang thật sự là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ.

Những năm gần đây, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được đầu tư xây dựng và tôn tạo, nâng cấp khang trang hơn nên việc chăm sóc đòi hỏi nặng nề hơn. Vào những ngày lễ lớn, khách đến viếng mộ có khi lên tới cả ngàn người.

Khách đông đồng nghĩa với cường độ làm việc càng cao, công việc phục vụ nghi thức viếng và hướng dẫn khách tham quan từng khu mộ đòi hỏi phải liên tục, không có khái niệm làm hết giờ, nghỉ đúng ngày, bất kể sáng, trưa, chiều, tối cứ có đoàn đến dâng hương là sẵn sàng đón tiếp.

Và đã thành thông lệ, mỗi năm hai lần, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ BQL từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên đều phải phân chia nhau đi thay cát ở các lư hương, lau sạch các phần mộ, tượng đài, nhà bia của các tỉnh, thành phố. 

 “Công việc vất vả là thế nhưng chúng tôi rất vui và tự hào bởi hàng ngày được chăm sóc từng phần mộ, đón tiếp tấm lòng tưởng nhớ liệt sĩ ở mọi miền gần xa, đặc biệt chúng tôi cũng thường xuyên được đón nhận tình cảm, sự đồng viên, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và thân nhân liệt sĩ”, ông Minh chia sẻ.

Những điều đặc biệt ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9

Anh 5 bai quan trang.jpg
Cán bộ quản trang tại Nghĩa trang Đường 9 chăm sóc phần mộ liệt sĩ. Ảnh: Minh Lý

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm ngay bên Quốc lộ 9, là con đường chiến lược nối từ biên giới Việt Lào về TP. Đông Hà, Quảng Trị. Đây là nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khác với Nghĩa trang Trường Sơn, phần đông phần mộ liệt sĩ nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 là chưa biết tên hoặc biết tên nhưng chưa có địa chỉ.

Vậy nên hàng năm vào dịp 27/7, ngoài các đoàn thăm viếng của các bộ, ngành, địa phương còn có hàng trăm thân nhân đến liên hệ tra cứu hồ sơ, tìm kiếm người nhà.

Chính vì vậy, ngoài những công việc như ở bao nghĩa trang liệt sĩ khác, những người quản trang nơi đây còn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hỗ trợ thân nhân liệt sĩ được nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện hơn.

Ông Hoàng Chí, Trưởng BQL Nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị cho biết: Nếu ở Nghĩa trang Trường Sơn hầu như phần mộ đã có tên thì trong 10.700 phần mộ tại Nghĩa trang Đường 9 có đến 65% chưa biết tên; chỉ có 3.227 mộ biết tên, địa chỉ đầy đủ được đưa vào từng khu vực theo địa phương và gần 800 ngôi là liệt sĩ biết tên nhưng không có địa chỉ. 

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 còn có một khu mộ đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều người khi đến thăm viếng, đó là khu mộ tập thể, nơi đang yên nghỉ của khoảng 600 liệt sĩ. Nằm ở một vị trí khá trang trọng trong nghĩa trang, khu mộ tập thể gồm 8 ngôi mộ có kích thước lớn.

Ngôi nhiều nhất có 123 liệt sĩ, các ngôi khác lần lượt là 102, 80, 50, 30… liệt sĩ. Lý giải về điều đặc biệt này, ông Hoàng Chí cho biết, trong chiến tranh có những trận đánh quân ta không làm chủ được trận địa, quân địch đào một hố chung lớn chôn tập thể rồi tẩm xăng đốt. Sau này khi phát hiện và quy tập, vì không thể tách hài cốt ra được nên các liệt sĩ được quy tập ở trong những ngôi mộ tập thể như vậy.

Anh 6 bai quan trang.jpg
Công việc thường ngày của các cán bộ quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Minh Lý

Những ngày tháng 7 này, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 liên tục đón hàng nghìn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước. Có những ngày khách đến thăm viếng có khi cả trăm đoàn, trong đó có nhiều thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng và tìm kiếm thông tin.

Do vậy, BQL Nghĩa trang Đường 9 rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong công tác tìm kiếm hài cốt. Nếu trước đây, khi muốn tìm phần mộ liệt sĩ từ Lào về người nhà phải mất ít nhất 10 ngày đi lại, chờ đợi do việc tra cứu hồ sơ trên giấy rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Nhưng những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai việc lập trình, số hóa lưu trữ bằng việc scan hồ sơ gốc nên việc hỗ trợ tra cứu tìm kiếm thông tin liệt sĩ  trở nên dễ dàng hơn. Rất nhiều thân nhân liệt sĩ đã được hỗ trợ tối đa, giảm bớt phần nào vất vả trên hành trình tìm kiếm người thân.

“Giờ đây thân nhân các liệt sĩ chỉ cần đến liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin. Mất tầm 10 - 15 phút là có thể biết được người nhà của mình có nằm tại đây hay không.

Chúng tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ ngày càng làm tốt công việc này hơn nữa để gia đình thân nhân liệt sĩ được ấm lòng và các anh được yên nghỉ thanh thản”, ông Hoàng Chí chia sẻ.  

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ.

Riêng tại Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9) với gần 61.000 phần mộ là con em của nhiều tỉnh, thành phố. Để các nghĩa trang ngày càng khang trang, sạch đẹp có công sức và tâm huyết rất lớn của những người quản trang.

 

Thuỳ Hương

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ