Những tấm lòng yêu nước
Qua những chuyến đi, tôi được biết nhiều tấm gương yêu nước đã tham gia cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lập lại, mỗi người trở lại với nhiệm vụ của mình, cùng với đó, họ lại nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm những kỷ vật thời chiến để lập bảo tàng, phòng lưu niệm, đón khách thập phương tham quan, tìm hiểu.
Có thể kể đến ông Lâm Văn Bảng, với Bảo tàng Chiến sĩ bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của ông Nguyễn Mạnh Hiệp, thương binh hạng 4/4 (ngách 144/2 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội); bộ sưu tập của ông Dương Công Hồng (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình);
Bảo tàng Kim Chính của ông Dương Văn Đôn (xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình); bộ sưu tập của anh Trần Văn Thập (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Cũng ở Vĩnh Phúc còn có bảo tàng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng (82 tuổi, thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường). Tại Nam Định có bảo tàng của ông Vũ Đình Lưu (9/17 đường Đặng Việt Châu - thành phố Nam Định).
Tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Tú Lâm (xóm 1 xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) đã dành nhiều tâm huyết, tiền bạc để mua, rút thuốc và trưng bày những trái bom “chết” trong vườn. Mục đích của ông là lưu giữ chứng tích chiến tranh, làm bài học đạo đức cho con cháu.
Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ bị địch bắt tù đày chia sẻ, mỗi người sưu tầm đều có cách làm của mình, nhưng mục đích chung là để lưu giữ những hiện vật, thể hiện lòng yêu nước, yêu hòa bình, căm thù chiến tranh.
Nhưng tất cả những kỷ vật đều gói ghém trong mình những câu chuyện. Qua đó, khách tham quan có thể hiểu được năm xưa cha ông ta đã sống, chiến đấu ra sao để gìn giữ hòa bình, độc lập cho đất nước.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Lâm (Bình Dương) cho biết thêm: “Khi bắt đầu công việc sưu tầm, cuộc sống của tôi cũng còn khó khăn. Gia đình tôi ngày đó làm nghề rèn, không ít người mang vỏ bom đã cưa đến bán nhưng tôi từ chối. Nhưng mình từ chối thì dân bán cho người khác, vỏ bom sẽ bị phá.
Năm 1981, tôi thăm Khu di tích địa đạo Củ Chi, thấy khách nước ngoài chăm chú nhìn ngắm những trái bom được trưng bày. Rồi những vị khách trong nước nói về sức công phá khủng khiếp của những trái bom này đã trút xuống đầu người dân, vậy mà người dân vẫn anh dũng chiến đấu, bảo vệ đất nước, giành độc lập từ các loại vũ khí thô sơ. Tôi đã quyết tâm sưu tầm vỏ bom về đặt trong vườn nhà”.
Hết lòng vì kỷ vật
Theo tìm hiểu, trong thời kỳ chiến tranh xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng từng nằm trong khu tam giác sắt (An Tây - Thanh Tuyền - Củ Chi) sát với địa đạo Củ Chi (TPHCM), là nơi máy bay địch thường xuyên trút bom sau mỗi lần oanh kích trở về. Địa phương ngày đó ước tính, bình quân mỗi người dân phải chịu hơn 1 tấn bom các loại.
Chiến tranh kết thúc, rất nhiều bom, mìn chưa nổ vẫn còn nằm trong lòng đất, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Từ năm 1977 trở đi, phong trào rà phá bom mìn nơi đây rất rầm rộ. Không ít người dùng những mảnh bom để rèn dao, rựa…
Để sưu tầm vỏ bom, đạn, toàn những thứ nặng nề mà cũng tốn kém đối với ông Nguyễn Tú Lâm. Bao nhiêu tiền dành dụm của gia đình “đội nón ra đi”, vơi dần theo số lượng vỏ bom được mang về.
Ban đầu ông bị vợ, con phải đối. Ông Lâm nói: “Lúc đó, con tôi đang tuổi ăn học, nhà nghèo, nhiều người vẫn bảo lo cái ăn, chứ cứ mua thứ sắt vụn đó về để đó, nó gỉ ra thì phí quá. Tôi phải thuyết phục mãi, nói về ý nghĩa của nó, nên mọi người ủng hộ”.
Là người cùng đồng đội dày công sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, ông Dương Văn Đôn, Giám đốc Bảo tàng Kim Chính cho biết, ông và đồng đội coi bảo tàng như báu vật. Mỗi hiện vật nơi đây như những người bạn từng một thời "vào sinh ra tử".
Suốt hàng chục năm sưu tầm theo kiểu kiến tha lâu đầy tổ, từ vài hiện vật đơn giản ban đầu, đến nay Bảo tàng Kim Chính đã sở hữu hơn 3.000 hiện vật, được chia làm 3 mảng: Hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp và hiện vật thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ xưa.
Đến Bảo tàng Kim Chính, được chứng kiến và tận tay sờ vào hiện vật một thời hoa lửa như: Máy bay, tên lửa, đầu đạn, vũ khí, hầm bí mật… nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của lớp lớp cha anh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở thôn Vân Giang, xã Lý Nhân. Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam.
Năm 1971, ông được đơn vị cho phục viên với tình trạng mất sức khỏe 57% (thương binh hạng 3/4). Trở về địa phương, ông Đổng luôn nhớ về đồng đội, những người cùng chung lý tưởng, chiến đấu quên mình bảo vệ Tổ quốc.
Để lưu giữ kỷ niệm với đồng đội, suốt 50 năm qua, ông Đổng đã đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thăm lại chiến trường xưa để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Trong những chuyến đi đó, ông vừa tìm cách liên lạc với đồng đội, vừa tìm hiểu xem gia đình nào còn lưu giữ hiện vật chiến tranh để mua hoặc xin lại.
Đến nay bảo tàng của ông đã có 1.200 hiện vật, có nhiều hiện vật từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và cả thời kỳ bao cấp. Ông Đổng tâm sự: “Nhiều người đến tham quan ngỏ ý muốn mua lại một số kỷ vật, trong đó có những món đồ được trả giá tới 100 triệu đồng nhưng tôi không bán.
Bởi với tôi, đó đều là những báu vật vô giá chứa đựng nghĩa tình đồng đội và cũng là kho sử liệu quý giá cho thế hệ sau”.
Còn cựu chiến binh Vũ Đình Lưu từng là Đại đội trưởng trinh sát 312 tham gia kháng chiến chống Mỹ. Thời bình, ông làm Giám đốc Liên doanh Việt - Xô tại Đà Nẵng. Năm 1991, ông về quê ở Nam Định làm Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tỉnh.
Năm 2004, ông về nghỉ chế độ. Khi còn công tác ở Đà Nẵng, ông Lưu thăm lại di tích Thành cổ Quảng Trị. Lúc đó, thành Quảng Trị còn ngổn ngang, bừa bộn, người dân thường đào những đồ vật còn sót lại đem bán.
Thấy vậy ông cũng mượn cái xẻng ra đào và tìm được chiếc màn, vài mảnh đạn và khẩu súng. Khẩu súng ông giao nộp, còn những kỷ vật khác ông đem về nhà cất giữ. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng sưu tập đồ vật của đồng đội.
Khi nghỉ hưu, ông Lưu bắt đầu hành trình đi mọi nơi tìm kỷ vật chiến tranh, cứ ở đâu báo tin là ông lại tìm đến. Ông kể: “Đi đến đâu tôi cũng cẩn thận chụp ảnh để minh chứng cho công việc của mình, cũng là để trình báo với nhân dân. Đi đến đâu tôi cũng gặp may, trong thời gian ngắn mà đi được bao nhiêu nơi, làm được bao nhiêu việc”.
Qua câu chuyện của ông, tôi hình dung hình ảnh một người lính thời bình với chiếc xe máy cà tàng cùng với mỳ tôm, nước uống, sữa ăn dọc đường rong ruổi hành trình sưu tầm kỷ vật. Cuộc kiếm tìm nay đây mai đó, khi lên Thái Nguyên, lúc vào Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh... đi đến cháy đen cả người nhưng người lính không vơi dòng nhiệt huyết.
Đến nay, ông Lưu không thể tính được đã đi bao nhiêu cây số và để có những kỷ vật quý hiếm, đã phải đổ bao mồ hôi. Mỗi khi được tiếp xúc với kỷ vật đó, ông Lưu đều được nghe và ghi nhớ lại những câu chuyện, có những câu chuyện khiến ông rưng rưng nước mắt.
Tháng 4/2007, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bảo tàng tỉnh Nam Định, bảo tàng “Ký ức chiến tranh” của ông Lưu được khai trương. Đây là bảo tàng gồm nhiều kỷ vật chất chứa những ký ức sinh động về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cựu binh và cả người dân vẫn tích cựu lưu giữ hiện vật - chứng tích một thời khói lửa. Theo thời gian, những hiện vật ấy vẫn sẽ nhắc nhở thế hệ mai sau về các cuộc chiến bảo vệ đất nước và giá trị của hòa bình, hạnh phúc.
Vũ Thảo
Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5