Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Thăm địa danh đèo Pha Đin

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt.

“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” 

           (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội tại chiến trường, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Pha Đin xưa anh hùng trong chiến đấu và nay, người dân nơi đây phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp.

pha din5.jpg
Ông Lầu Sái Hừ chia sẻ về những trọng điểm tại đỉnh đèo bị giặc ném bom dữ dội những năm kháng chiến chống Pháp.

Ký ức về một Pha Đin hào hùng

Ngược dòng lịch sử, đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên Phủ nên thực dân Pháp luôn tìm cách cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận.

Chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom phá, bom nổ chậm, bom bi... xuống đèo, có ngày hơn 100 quả bom nên nơi này được ví như “túi bom”. 

Trong nhiều ngày, 32km đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) luôn bị các loại máy bay của địch đánh phá suốt ngày đêm, đặc biệt là các đoạn cua gấp khúc, dốc đứng. Sau mỗi loạt bom của địch, nhiều đoạn tuyến trên đèo Pha Đin đều bị hư hỏng nặng.

Chỉ tay về những vị trí bị giặc dội bom liên tục trên khu vực đỉnh đèo, những khu vực đóng quân của bộ đội tại các khe núi, ông Lầu Sái Hừ (94 tuổi, người dân bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) cho biết, thời điểm đó, máy bay địch quần thảo đánh phá suốt đêm ngày, người dân rất sợ nhưng vẫn bám trụ bản làng để cùng hỗ trợ bộ đội, dân công chi viện cho tiền tuyến.

Đèo Pha Đin khi ấy gần như không một bóng cây vì sức tàn phá của bom đạn, chỉ còn cỏ tranh nên đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Thế nhưng đêm đến, sau mỗi loạt bom của địch là bà con lại hò nhau giúp bộ đội, dân công sửa đường để đảm bảo giao thông thông suốt. 

Tình cảm quân dân như cá với nước, đồng bào dù ăn chưa đủ no song vẫn nhường từng cân gạo, bó rau cho bộ đội tiến lên mặt trận chính giải phóng đất Mường Thanh. 

pha din6.jpg
Bà Quàng Thị É kể lại thời kỳ làm dân công hỏa tuyến.

"Thực dân Pháp ngày đêm bắn phá, nhất là ở các đoạn cua nhằm cắt đứt tuyến đường và cản trở ô tô của ta. Về phía ta, tối đến là dân quân, bộ đội cùng nhau sửa đường cho thông suốt.

Thời điểm ấy, người dân nghèo lắm nhưng vẫn luôn dành gạo, lợn, gà, rau để hỗ trợ bộ đội. Bây giờ có Đảng, Nhà nước hỗ trợ, người dân chăm chỉ làm ăn nên kinh tế khấm khá hơn nhiều. Tôi luôn nhắc nhở con, cháu phải luôn ghi nhớ lịch sử để tự hào truyền thống dân tộc và yêu tổ quốc. 

Tấm bia trên đỉnh đèo Pha Đin khắc dòng chữ: “Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”, tôi luôn nhắc lũ trẻ học thuộc lòng, để nhắc lại cho con cháu về sau", ông Lầu Sái Hừ nói.

Những ngày Pha Đin bị đánh phá ác liệt nhất, bà Quàng Thị É (bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) năm đó tuổi mới đôi mươi. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ cùng rất đông thanh niên các dân tộc huyện Thuận Châu, bà tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực và vũ khí qua đèo. Nay bà É đã 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.

Những câu chuyện bi hùng, kỷ niệm không quên về một thời gian khổ, ác liệt vẫn luôn được bà kể cho con cháu như những bài học lịch sử quý báu. 

“Tôi đi dân công hỏa tuyến từ lúc chưa lấy chồng. Lúc đó đường đi rất nhỏ, chúng tôi phải băng qua rừng gánh gạo tiếp tế cho bộ đội ở Điện Biên. Mỗi ngày, chúng tôi đi 2 lượt và phải đi đêm vì ban ngày có nhiều máy bay địch. Thấm thoát đã 70 năm, giờ các bạn đi cùng tôi ngày đó cũng không còn….”, bà É kể.

pha din3.jpg
 Bản làng dưới thung lũng bình yên, thơ mộng.

Ngày mới ở Pha Đin

70 năm đi qua, đèo Pha Đin huyền thoại đã xóa đi những tàn tích cũ của chiến tranh, cũng không còn hiểm trở như nhiều năm về trước. Tuyến đường 6 cũ đi qua xã Tỏa Tình dẫu còn một số khúc cua gấp song đã được sửa chữa thường xuyên, thảm nhựa đảm bảo đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.

Tuyến đường mới được hạ cốt xuống thấp hơn, mở rộng cho các loại xe siêu trường, siêu trọng có thể đi lại an toàn, từ đó góp phần quan trọng trong việc nối giao thương của tỉnh Điện Biên với các tỉnh thành miền xuôi.

Đèo Pha Đin hôm nay đổi thay nhiều nhưng dấu tích của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử.

Trước đây, đèo dài 32km và có gần 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua; nay được nâng cấp, chiều dài rút ngắn còn 26km với khoảng 60 khúc cua, độ dốc hạ xuống còn 8%, mặt đường rộng gần gấp 2 lần so với trước. Những cung đường mới mở như dải lụa nối những dãy núi, gắn kết 2 vùng đất Sơn La - Điện Biên.

Ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho biết, nhờ phát huy những lợi thế của tuyến giao thông trọng điểm này, diện mạo nông thôn mới, đời sống kinh tế của xã Tỏa Tình đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.

Giao thông thuận lợi, sản phẩm nông sản từ hàng trăm ha cà phê, táo mèo, dưa mèo của người dân không còn lo lắng về đầu ra khi các phương tiện vận chuyển lớn đã có thể tập kết để thu gom hàng đi các tỉnh miền xuôi. Thêm vào đó, do được mệnh danh là tứ đại đường đèo, với khung cảnh hùng vĩ, đèo Pha Đin còn là điểm du lịch hấp dẫn với những khu sinh thái được chính người dân bản địa tạo dựng. 

Nhờ có những điều kiện về du lịch, thế mạnh nông sản và sự cần cù chịu khó của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình mỗi năm từ 1 - 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 10 triệu đồng/năm.

Những năm qua, người dân Tỏa Tình rất tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế nên cuộc sống có những thay đổi rõ rệt. Bà con rất đồng tình việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn. 

Tỏa Tình có khí hậu thời tiết ôn hòa nên lợi thế lớn phát triển du lịch. "Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền nhân dân phải bảo vệ, phát triển rừng, giữ rừng để làm kinh tế du lịch từ rừng", ông Lầu A Dùa cho biết.

Bên kia đèo, người dân Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) cũng đang phát triển kinh tế theo hướng bền vững với nhiều mô hình sinh kế dựa vào đặc sản bản địa.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái), người xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, đưa chè Phổng Lái do đồng bào dân tộc trồng và chăm sóc ra thị trường nước ngoài.

 Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Phổng Lái, tuổi thơ của bà Bình gắn liền với những đồi chè xanh ngút ngàn. Bà mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn, tăng thu nhập cho bà con. Nghĩ là làm, để cải thiện chất lượng chè Phổng Lái, bà Bình nhận thấy yếu tố quan trọng là phải thay đổi tư duy sản xuất, canh tác.

Năm 2013, bà cùng một số hộ nông dân xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, từ đó HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập với mục tiêu sản xuất và xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương. 

Dây chuyền sản xuất của HTX có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương khoảng 5 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con. 

Ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/ tháng. 

Năm tháng qua đi, quốc lộ 6, đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi.

Truyền thống cách mạng đã, đang và sẽ là niềm tự hào, động lực để người dân gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Vân Khánh

  Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Tin liên quan