Ngày 31/12/2024, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư nêu rõ, cách tiếp cận bảo đảm chất lượng để quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng có sự thay đổi từ cách tiếp cận dựa trên quy tắc “rule based” chuyển sang tiếp cận dựa trên nguyên lý “principle based”.
Đánh giá định tính nhiều hơn, phù hợp với xu thế của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, không nhắc lại các nội dung đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nên giảm số lượng các tiêu chuẩn.
Cập nhật các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng liên quan đến việc đánh giá hình thức, phương pháp đào tạo từ xa, trực tuyến…
Thông tư số 14 bổ sung các tiêu chuẩn liên quan để đánh giá mức độ đạt “chuẩn đầu ra” của chương trình đào tạo. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là cơ sở để xây dựng chương trình, thiết kế nội dung, tổ chức các hoạt động đào tạo sao cho kết quả đào tạo như cam kết về chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo đó.
Thực tiễn, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ban hành và công bố công khai chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo của cơ sở mình.
Đồng thời, thuật ngữ “chuẩn đầu ra” đã được quy định tại khoản 7, Điều 5 Luật Giáo dục, nhiệm vụ được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại điểm đ, khoản 2 Điều 2 tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg “Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra.
Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Điểm d, khoản 2, mục II tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg “Hướng dẫn thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra cam kết cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...”.
Về phạm vi và đối tượng áp dụng, thông tư quy định rõ những đối tượng không áp dụng đối với những nội dung được quy định trong thông tư. Về quy định cách đánh giá tiêu chuẩn đạt yêu cầu: quy định rõ thời gian cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình cần đáp ứng nội hàm của tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, thông tư qui định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp bao gồm:
Các tiêu chí và điểm đánh giá kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng. Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn trong 2 năm gồm 1 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với trường trung cấp, trong 3 năm gồm 2 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với trường cao đẳng.
Về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng, theo quy định, có 8 tiêu chí kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng gồm: Sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý; Hoạt động đào tạo; Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; Chương trình đào tạo, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng.
Về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng có 7 tiêu chí gồm: Sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý; Hoạt động đào tạo; Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; Chương trình đào tạo, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng)
Có 7 tiêu chí kiểm định chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp gồm: Sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý; Hoạt động đào tạo; Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; Chương trình đào tạo, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng.
Thông tư cũng quy định các tiêu chí và điểm đánh giá chương trình đào tạo. Đối với các tiêu chí và điểm đánh giá chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Trong đó có quy định tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn trong 2 năm gồm 1 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trong 3 năm gồm 2 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với chương trình đào tạo trình độ cao đẳng.
Có 7 tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng gồm: Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo, giáo trình; Hoạt động đào tạo; Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và viên chức, người lao động; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và học liệu; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng.
Các tiêu chí và điểm đánh giá chương trình đào tạo trình độ sơ cấp trong đó có quy định, tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở cơ sở đào tạo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 1 năm tính đến thời điểm đánh giá chương trình đào tạo.
Có 7 tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp gồm: Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo, giáo trình; Hoạt động đào tạo; Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và học liệu; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2 và thay thế cho Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 8/6/2017 của Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.