Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Dòng vốn FDI thế hệ mới: Chất và lượng đều tăng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

Không chỉ tăng trưởng về số lượng dự án, số vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI mà Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn các dự án chất lượng cao.

Dòng vốn liên tục chạy vào Việt Nam

cong nhan.jpg
Công nhân trong nhà máy của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/7, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD).

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước - mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong giai đoạn gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số và chất lượng. Các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.

Đơn cử, nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương sẽ sử dụng năng lượng mặt trời bằng các tấm pin được lắp đặt trên mái nhà. Ngoài ra, các cam kết phát thải sẽ được Tập đoàn LEGO thực hiện bằng cách cùng VSIP trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho thảm thực vật bị thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà máy.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu được thiết kế với tổng công suất 3.200MW. Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn General Electric, với dòng máy tuabin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về năng lượng sạch và an toàn lưới điện.

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận đang được phát triển bởi đơn vị quản lý dự án cao cấp của CIP là Copenhagen Offshore Partners (COP) có công suất 3,5GW, với tổng số vốn đầu tư lên tới 10,5 tỷ USD. Dự kiến khi hoàn thành, dự án có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 7 triệu gia đình, giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2, đồng thời đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế.

Còn với Tập đoàn Foxconn, từ khi đến Việt Nam đến nay, các nhà máy của Foxconn đã có mặt tại 5 tỉnh với khoản đầu tư 4 tỷ USD, sử dụng 80.000 lao động. Đặc biệt,    Foxconn cho biết vừa quyết định đầu tư thêm gần 400 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp, gia công bảng mạch PCB tại Khu công nghiệp Nam Sơn (Bắc Ninh). 

Trong tháng 6, tại Bắc Giang, Nokia công bố việc hợp tác cùng   Foxconn để sản xuất các sản phẩm AirScale, trong đó bao gồm thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale phục vụ cho hạ tầng 5G. 

Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn như: Apple, Google, IKEA và Nike - tất cả cam kết việc sử dụng năng lượng tái tạo là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Đại diện các tập đoàn này khẳng định, khi lựa chọn địa điểm đầu tư, các tập đoàn này luôn coi “mức độ sẵn sàng của nguồn cung năng lượng tái tạo” tại chỗ là ưu tiên trong bảng tiêu chí, thể hiện tầm quan trọng của khả năng tiếp cận năng lượng xanh đối với quyết định đầu tư.

Lợi thế thu hút FDI thế hệ mới

Việt Nam đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD... hay như lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023…

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thu hút FDI thế hệ mới (có công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao) trên cơ sở đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với rất nhiều nước như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia; hội nhập sâu, rộng ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến Việt Nam và lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều lĩnh vực. Gautam Adani, một trong những tỷ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, đã công bố dự định đầu tư 2 tỷ USD xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Gautam Adani quan tâm tham gia vào giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Long Thành và mở rộng sân bay Chu Lai. Hoặc BDR Pharmaceuticals, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, kinh tế quý II tăng gần 7% và 2 quý đầu năm cũng tăng cao so với năm ngoái là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thu hút FDI.

"Ngoài ổn định chính trị, chính sách đón đầu và cải thiện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. Chiến lược thu hút FDI vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của chúng ta đang có những bước đi đúng”, GS, TS Nguyễn Mại khẳng định.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam như một điểm sáng đang nổi, thăng hạng trong việc thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định rằng, Việt Nam cùng với Singapore và Malaysia là 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, y tế, ngân hàng và bất động sản trong năm nay.

Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ hơn, theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ mới nổi và có hiệu ứng lan tỏa.

 

Minh Châu

Báo Lao động và Xã hội số 100

Tin liên quan
Làng nghề rèn thời công nghệ

Làng nghề rèn thời công nghệ

(LĐXH) - Nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang khẳng định được vai trò mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giải quyết...