Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kinh tế Đắk Lắk phát triển nhờ chuyển đổi số

Lê Nhuận
Lê Nhuận

Qúa trình tập trung thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn dân tại Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực.

Việc chuyển đổi số là trọng tâm, xuyên suốt, tạo đột phá cho sự phát triển, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, đến tháng 10/2024, có 936 đơn vị tại Đắk Lắk sử dụng trục liên thông văn bản. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 16 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định tại cấp tỉnh, huyện và 180 điểm cầu ở xã, phường, thị trấn. 

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối với 14 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành.

Một dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi số của tỉnh là từ tháng 9/2021 chính thức đưa Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh vào hoạt động. 

Trung tâm đang vận hành 10 dịch vụ giúp cho công tác điều hành, xử lý công việc của các cơ quan chức năng diễn ra minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả và là cầu nối, thúc đẩy tương tác, giám sát hai chiều giữa chính quyền và người dân.

Phát triển kinh tế số đã thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử. Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp nay sản phẩm đã đi ra ngoài huyện, ngoài tỉnh, toàn quốc… 

Tính đến tháng 10/2024, tỉnh Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, có 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc. Có 259.652 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số. 

Trong nỗ lực phát triển công dân số, toàn tỉnh đã thu nhận, cấp 1.884.110 tài khoản định danh điện tử. Tỉnh cũng đã triển khai giải pháp chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Tiếp đó tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tập trung ưu tiên chuyển đổi số ở 8 lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiêp và năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính và ngân hàng.

Để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. 

Kinh tế Đắk Lắk phát triển nhờ chuyển đổi số - 1
Ngã 6 Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk (LN).

Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào xây dựng hạ tầng số tập trung, thống nhất bảo đảm hạ tầng và an toàn bảo mật để phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh. 

Cùng với đó, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số và phát triển mạnh mẽ sàn thương mại điện tử bảo đảm kết nối cung cầu, nhất là chuỗi giá trị nông sản, du lịch..