Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Giáo dục nghề nghiệp: Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động

Thành Công
Thành Công

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

1.jpg
Hình ảnh tại Cuộc thi Kỹ năng nghề Quốc gia - Lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp

Ngành, nghề đào tạo được mở rộng dần

Thứ trưởng Lê tấn Dũng cho hay, đến nay cả nước có 1.886 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (tăng 671 cơ sở so với năm học 2013 – 2014), và ngày càng thu hút nhiều người học có học lực tốt tham gia học nhất là những ngành, nghề mà thị trường lao động có nhu cầu lớn.

“Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2013 - 2023 đạt khoảng 21 triệu người. Ngành, nghề đào tạo được mở rộng dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được đẩy mạnh”, Thứ trưởng thông tin. 

Vẫn theo ông Lê Tấn Dũng, các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nghèo), phụ nữ nông thôn, bộ đội xuất ngũ đã được quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm với các hình thức và mô hình phù hợp, bằng các chính sách thiết thực, hiệu quả. 

Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào Giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển rộng khắp trong cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động…

Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW một cách cơ học dẫn đến việc sắp xếp các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập chưa gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Hoặc việc sáp nhập các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có chức năng, ngành nghề đào tạo khác nhau (kỹ thuật với y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao, sư phạm) dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý cũng như hiệu quả đào tạo.

2.jpg

 

Bên cạnh đó, phân bố các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều ở các vùng trên cả nước dẫn tới việc đào tạo nghề vừa thừa vừa thiếu. Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp lớn nhưng phần đông còn chưa hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề…

Sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Vũ Quốc Bình, việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua chưa đạt được kết quả mong đợi. 

Số lượng, cơ cấu và quy mô, ngành, nghề đào tạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. 

Việc triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương còn chậm và lúng túng trong việc xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh hay tích hợp nội dung này vào quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Trong thời gian tới, ông Vũ Quốc Bình cho rằng, cần sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. 

“Cùng với đó, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng, tạo nền tảng phát triển Giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của một nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp hiện tại”, ông Bình nói. 

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn tới - thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Phan Chính Thức, đại diện Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội đề xuất, thời gian tới, Quốc hội cho nghiên cứu và xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) theo hướng tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 29. 

Đồng thời, tiếp cận với tinh thần các văn kiện Đại hội XIII, các chiến lược phát triển liên quan và các xu hướng phát triển trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (phát triển bền vững và bao trùm; bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và quốc tế; tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; chuyển đổi số; quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, tự chủ…) 

Ðể phát triển thị trường lao động thích ứng quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước.

Trong đó, ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới. Kết quả đạt được từ những giải pháp nêu trên đã giúp tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên từng bước được cải thiện, khi năm 2019 tỷ lệ này là 22,37% và đến năm 2022 đạt tỷ lệ 26,2%...

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí "chấp nhận của thị trường lao động".

Ngoài ra, các bên liên quan sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm…

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.

 

.

 

 

Tin liên quan