Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nâng tầm kỹ năng lao động Ninh Bình

Phóng viên
Phóng viên

Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nhờ đó, đã góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Ninh Bình.

“Từ đó đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69,5% vào cuối năm 2023, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương.

nghề điện NB.jpg
Ninh Bình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng tầm kỹ năng lao động  (Ảnh: Gia Khánh)

 

Cũng vẫn ông Phương thông tin, năm 2023, với việc chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo… nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.  

Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình đã tuyển sinh, đào tạo 17.605 người, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, đã giải quyết, tạo việc làm mới cho 20.486 người, vượt 5,6% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động đạt 2.036 người (vượt 45,4% so với kế hoạch năm).  

 Với kết quả đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, năm 2023, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, chú trọng phát triển một số nghề trọng điểm có thế mạnh của tỉnh”.

“Ninh Bình tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm.

Song song, ông Phương cũng cho biết thêm, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xuất khẩu lao động và Du học nghề, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường an toàn, có thu nhập cao.

"Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, tín dụng, dạy nghề, thông tin thị trường”, ông Lâm Xuân Phương thông tin thêm.

Đơn cử, năm 2023, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đã tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp được 1.051 học viên, đạt 94% kế hoạch năm. Thực hiện chủ trương xuyên suốt là đào tạo nghề phải gắn với việc làm, Trung tâm tuyển sinh của nhà trường đã triển khai rất nhiều giải pháp đảm bảo 100% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. 

Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: “Nhà trường đã bám sát sự phát triển của thị trường lao động để dự báo những ngành nghề tiềm năng, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp".

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên liên lạc, giữ mối quan hệ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng việc làm, triển khai các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp đến các lớp học, trên bảng tin của khoa và trên Website của nhà trường. 

Trước mỗi đợt thi tốt nghiệp, Trường tổ chức khảo sát về nhu cầu việc làm, vị trí việc làm, mức lương yêu cầu tới học sinh, sinh viên. Trên cơ sở đó tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với yêu cầu, khả năng của học sinh, sinh viên.

"Đặc biệt, nhà trường luôn phối hợp, ký kết các biên bản hợp tác với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, thực tập, cấp học bổng, tuyển dụng... Nhờ đó, mối quan hệ giữa "cung" và "cầu" lao động đã nhịp nhàng, phù hợp hơn”, ông Quyền cho hay.  

Hay như Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô Lê Hồng Phong khẳng định, chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. 

“Để trở thành địa chỉ tin cậy, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường, mỗi cơ sở đào tạo nghề không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các nhà giáo tham gia các sân chơi nghề nghiệp bổ ích, qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp”, ông Phong nói. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng, nâng tầm kỹ năng lao động, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã triển khai kết nối, giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho trên 19.400 lao động, trong đó xuất khẩu lao động là 1.400 người; tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 17.500 lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%.

Ngoài ra, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở…

Gia Khánh

 

.