Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân, các doanh nghiệp logistics đã lên kế hoạch nâng cấp trang thiết bị, công nghệ, tuyển nhân viên thời vụ... đáp ứng dịp cao điểm này.
Shipper “tất bật” đơn hàng trong mùa cao điểm
Là người kinh doanh bánh kẹo và các món ăn từ Nga tại khu đô thị Time City, chị Vân Anh cho biết: “Từ noel cho đến Tết nguyên đán lượng khách đặt mua hàng của mình tăng gấp 2 đến 3 lần so với bình thường.
Mặc dù có cửa hàng nhưng khách hàng chủ yếu biết đến mình và mua hàng của mình trên facebook. Vì vậy, mình thường phải nhờ tới các shipper hoặc đơn vị vận chuyển (nếu khách hàng ở ngoại thành hoặc tỉnh khác).
Vào thời điểm này, năm nào cũng vậy gọi shipper khó hơn vì các bạn ấy có rất nhiều đơn hàng mỗi ngày. Vì vậy để chủ động, mình phải thuê riêng 2 bạn chuyên vận chuyển đơn cho cửa hàng mình trong dịp cuối năm”.
Việc mua sắm hàng online đã trở thành trào lưu những năm trở lại đây vì thao tác đơn giản, giá cả hời. Nhiều người, đặc biệt là người trẻ quen với 1 cú click chuột hơn việc trực tiếp đi mua hàng ngoài tiệm.
Thương mại điện tử phát triển nên người giao hàng online cũng theo đó mà ngày một nhiều. Shipper những ngày này bận rộn hơn vì nhu cầu mua sắm cuối năm cộng với các chương trình khuyến mãi được tung ra.
Bạn Nguyễn Văn Phong ở Hoài Đức, Hà Nội làm shipper được 2 năm nay chia sẻ: “Dịp cuối năm là những lúc bận nhất của tôi. Vì đó là thời điểm các cửa hàng, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhất trong năm để kích cầu tiêu dùng vì thế đơn hàng vận chuyển cũng tăng mạnh.
Bận một chút nhưng thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với những tháng trước nên tôi rất vui. Còn hơn những ngày rảnh rỗi không có hàng để giao".
Anh Nam Sơn, shipper làm việc tại bưu cục J&T Express quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ về cường độ làm việc dịp cuối năm: "Mùa cao điểm tôi thường bắt đầu làm từ 6 giờ sáng, có khi tới 10 giờ tối vẫn còn đơn hàng.
Lượng hàng tăng gấp nhiều lần ngày thường các shipper phải "chạy" liên tục, làm gì có giờ nghỉ trưa, ăn tạm bánh mì để còn giao cho nhanh".
Để hoàn thành tốt công việc, shipper cần nắm rõ tuyến đường, canh giờ chính xác, lên phương án di chuyển để tối ưu thời gian giao hàng. Trong các dịp mua sắm cuối năm, cận tết, họ còn phải cẩn thận, chu đáo hơn khi giao những mặt hàng đặc thù như cây cảnh, thực phẩm, rượu, hàng dễ vỡ...
Doanh nghiệp logictics bổ sung nhân lực
Tết Nguyên đán đã cận kề và cuối năm là thời điểm các đơn vị vận chuyển nội đô tất bật lên các phương án logistics để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao.
Các phương án từ việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, bổ sung phương tiện vận chuyển đến việc tuyển thêm nhân công đã được họ chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm.
J&T Express cho biết, để đáp ứng nhu cầu giao - nhận ngày càng tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã tăng cường thêm 20% nhân sự đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho shipper.
Các phương án đầu tư phương tiện, ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao năng lực nhằm đảm bảo lưu thoát hàng hóa nhanh chóng trong dịp Tết Nguyên đán 2025 cũng đã được tính đến.
Tính riêng trong tháng 9 và tháng 10, J&T Express Việt Nam đầu tư hơn 300 xe tải các loại, dự kiến thương hiệu tiếp tục tăng cường thêm 500 xe tải nhằm phục vụ cho mùa cao điểm cuối năm. Đây là một phần trong chiến lược hoàn thiện và nâng cấp hệ thống logistic của J&T Express tại Việt Nam.
Còn với Viettel Post, ngoài việc sở hữu quy mô rộng khắp bao gồm 8.500 điểm nhận, chuyển hàng (bao gồm bưu cục), 1.100 xe tải và mạng lưới trung tâm chia chọn thông minh tới tận huyện, xã, hải đảo, Công ty này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trung tâm logistics thứ hai trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, dự kiến tăng gấp 3 lần số lượng robot hiện tại, rút ngắn thời gian giao hàng từ 5 - 6 giờ và giảm đến 40% chi phí nhân công.
Thời gian qua, Bưu điện Việt Nam và Công ty TNHH ISUZU Việt Nam triển khai nhiều nội dung hợp tác.
Trong đó, nổi bật là các nội dung liên quan đến cung cấp phương tiện vận chuyển và đào tạo lái xe an toàn. Bưu điện Việt Nam hiện đang sở hữu hơn 2000 ô tô đa dạng tải trọng. Gần 1000 xe trong số đó do ISUZU sản xuất, được thiết kế tối ưu, chuyên dụng để vận chuyển các sản phẩm chuyển phát.
Vừa qua, Bưu điện Việt Nam cũng đã đầu tư thêm 8 xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu ISUZU nhằm nâng cao năng lực vận chuyển, logistics phục vụ chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Việt Nam là một trong những thị trường logistics phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics Việt Nam đóng góp khoảng 4 - 5% vào GDP của quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 156