Tân Đại sứ cho hay, vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ. Chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho người lao động làm việc lâu hơn tại Nhật Bản, qua đó giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này.

"Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Ito Naoki chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh, chế độ mới đòi hỏi người lao động phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, Đại sứ rất mong Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục quan tâm tới đào tạo nhân lực trước khi phái cử sang Nhật Bản làm việc.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đang triển khai.
“Hiện nay các cơ sở y tế của Nhật Bản đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý Việt Nam theo Chương trình đưa điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Chương trình VJEPA)”, ông Ito Naoki thông tin.
Song, theo đại sứ, số ứng viên tham gia chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu, mặc dù phía Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng.
Vì vậy, tân Đại sứ Nhật Bản mong muốn Việt Nam, cũng như cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm để tăng số ứng viên điều dưỡng sang Nhật. Bởi lẽ, theo ông, Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Điểm qua một số hợp tác nổi bật giữa hai bên về hợp tác lao động, bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong đưa lao động Việt Nam đi làm tại Nhật, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản sửa đổi chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài.
“Bộ LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác, Bộ ngành Nhật Bản trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như đào tạo nguồn nhân lực và đưa thanh niên, người lao động sang làm việc tại Nhật Bản, phối hợp đào tạo ứng viên hộ lý, điều dưỡng theo chương trình EPA”, ông Dung nói.
Bộ trưởng chi sẻ, mặc dù hiện nay bối cảnh đồng Yên giảm sút, nhưng người lao động vẫn lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến, cho thấy niềm tin của người lao động dành cho đất nước mặt trời mọc.
Cũng liên quan đến lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý, trước đó, tại buổi tiếp và chào tạm biệt ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản nhân dịp ông kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Yamada Takio đánh giá, với chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA), các ứng viên người Việt rất xuất sắc, có khả năng ngoại ngữ tốt.
Đặc biệt tỷ lệ ứng viên điều dưỡng, hộ lý thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật khá cao. Điều đó thể hiện, công tác đào tạo lao động ở Việt Nam trước khi sang Nhật rất tốt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết: Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên đối với Nhật Bản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào việc phối hợp với các nghiệp đoàn của Nhật để đưa lao động sang làm việc với phương châm đào tạo, bồi dưỡng kỹ, trang bị kiến thức, ngoại ngữ, tác phong làm việc thật tốt trước khi sang Nhật.
Được biết, hơn 90% điều dưỡng, hộ lý Việt Nam thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia của Nhật Bản, trong khi chính người Nhật chỉ đỗ trên 70%. Người thi đỗ chứng chỉ này có thể làm việc lâu năm ở Nhật Bản với mức lương như người bản địa.
Việt Nam là 1 trong ít các nước mà Nhật Bản đang phối hợp để tuyển hộ lý, điều dưỡng viên. Nhiều lao động trẻ có mong muốn sang Nhật để làm ngành nghề này; nếu thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật, họ có thể làm việc cả đời tại đây.
Nhiệt tâm và hết mình, các điều dưỡng, hộ lý trẻ Việt Nam hòa nhập rất nhanh với môi trường chăm sóc người già tại đây, tạo sự hài lòng từ các cơ sở y tế và chính quyền địa phương. Có những điều dưỡng viên Việt Nam đã quyết định gắn bó công việc lâu dài tại quốc gia này.