Hàng nghìn quân nhân xuất ngũ đã tìm được việc làm
Tại Vĩnh Phúc, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có hơn 2.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố và cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho các đối tượng này.
6 tháng đầu năm, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức đón 300 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để giải quyết việc làm; Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động cho bộ đội xuất ngũ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 600 lao động.

Ông Phùng Quốc Ban, Phó giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thông qua các buổi tư vấn, nhiều bộ đội xuất ngũ đã tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống gia đình.
Tại Hà Nam, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, trong các năm 2019, 2022 và 2023, trung tâm đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ của các huyện Lý Nhân, Bình Lục và Kim Bảng… (năm 2020, 2021 không tổ chức do dịch Covid-19).
Qua các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm đã mang lại một số kết quả, như bộ đội xuất ngũ được giới thiệu việc làm, được tiếp xúc, làm quen, trao đổi về khả năng, nhu cầu việc làm với doanh nghiệp, từ đó có định hướng việc làm phù hợp sau khi ổn định gia đình.
“Thực tế cho thấy, đa số bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ là trụ cột gia đình, do đó, giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên này là biện pháp thiết thực để họ lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình.
Đồng thời khắc phục tư tưởng dựa vào gia đình; là động lực để thanh niên đang thực hiện nghĩa vụ yên tâm công tác, thanh niên chuẩn bị nhập ngũ hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an”, ông Tuấn cho biết.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, mỗi năm, thành phố có hơn 4.000 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và cũng có từng đó người xuất ngũ trở về địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho thanh niên, trong đó có những chính sách ưu tiên đối với bộ đội xuất ngũ.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở chỉ đạo Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho lực lượng bộ đội xuất ngũ.
Thông qua các phiên chuyên đề này, đã có hàng nghìn quân nhân, bộ đội xuất ngũ được cung cấp về thông tin thị trường lao động. Số quân nhân tại ngũ và bộ đội xuất ngũ tham gia phỏng vấn tại 9 phiên giao dịch việc làm là gần 3.500 người; trong đó, trên 1.400 người đã được tuyển dụng ngay tại các phiên giao dịch việc làm.
Cần chính sách phù hợp
Những năm qua, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu IV được quan tâm, song số lượng còn khá ít.
Một số chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bộ đội xuất ngũ còn có những bất cập, vướng mắc khiến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gặp khó khăn.
Đơn cử như tại Nghệ An, hằng năm, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.000 - 1.500 bộ đội xuất ngũ trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế, trung bình mỗi năm, tỉnh có hơn 3.000 bộ đội xuất ngũ, vì thế số được đào tạo, giới thiệu việc làm còn khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào đào tạo lái xe ô tô, các ngành, nghề sơ cấp ngắn hạn.
Số lượng bộ đội xuất ngũ tiếp cận các chính sách về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp. Đó cũng là thực trạng chung tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Theo lãnh đạo một số trường dạy nghề, theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ học nghề sơ cấp cho bộ đội xuất ngũ, nếu muốn học nghề trung cấp, cao đẳng thì phải tự chủ 100% học phí.
Việc thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ chỉ có giá trị học nghề sơ cấp dẫn đến việc đào tạo mang tính đại trà và không đáp ứng được tiêu chí hành nghề lao động chất lượng cao.
Do đó, Nhà nước cần sửa đổi chính sách cho phù hợp. Chẳng hạn như cùng một thẻ học nghề nhưng học viên có thể lựa chọn cấp học phù hợp với nhu cầu việc làm, còn giá trị học phí có thể khấu trừ chênh lệch theo từng cấp học.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, bộ đội xuất ngũ hiện còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được địa chỉ học nghề hay một việc làm phù hợp, để phát huy khả năng và kiến thức của mình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Do đó, lực lượng thanh niên này cần phải được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, lựa chọn việc làm phù hợp nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực lao động chất lượng của Thủ đô.
Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 88