Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành dự án riêng.

Đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là vấn đề được đề cập sâu, có các chỉ tiêu cụ thể như: Tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, chỉ tiêu về người lao động được hỗ trợ đào tạo; cùng với đó là hỗ trợ đào tạo kỹ năng, đào tạo ngoại ngữ để người lao động có nhu cầu có thể đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Năm 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 3.331 người, trong đó: Nghề phi nông nghiệp là 2.655 người (150 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo), nghề nông nghiệp là 676 người (102 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo).
Toàn tỉnh đã tuyển sinh 16.150 người học trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và 12.160 người học trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70,25%. Số học sinh đã tốt nghiệp là 14.150 người.
Cùng năm, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với 6.137 lượt lao động tham gia, trong đó 609 lao động được tiếp nhận; tổ chức thành công Ngày hội Việc làm - Tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023 với 45 đơn vị tham gia tuyển sinh, tuyển dụng trên 22.762 chỉ tiêu và số người tiếp cận thông tin việc làm, định hướng nghề nghiệp hơn 9.200 người;
Tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ 506 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 92 trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 17.034 người (trong đó, 1.586 lao động thuộc hộ nghèo, 1.560 lao động thuộc hộ cận nghèo); 2.325 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (trong đó, 103 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo).
Lao động tập trung chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản (87,4%), Đài Loan (7,6%), Hàn Quốc và Hungary (0,6%) và một số nước khác.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu số học sinh GDNN được tuyển mới 17.000 người. Đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh 1.800 người (đạt 10,59% kế hoạch năm), trong đó chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác.
Theo ông Phúc, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đang giảm dần nên số đối tượng được thụ hưởng cũng giảm. Do vậy, công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm đang khó khăn trong việc huy động đối tượng tham gia.
Phạm vi đối tượng hẹp chỉ bao gồm thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng là yếu tố khó khăn trong công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm.
Nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn bị dàn trải, không tập trung vào các nghề trọng tâm, vị trí địa lý cách khá xa nên việc tập trung người học đủ tiêu chuẩn cho một lớp học còn khó khăn; giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất, trang thiết bị để giảng dạy còn thiếu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương luôn chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên phát triển GDNN, hỗ trợ đào tạo việc làm ở các vùng nghèo, khó khăn.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
PV
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6