Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh Khắc Đô-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, cùng với chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 120.980 lao động, bình quân mỗi năm tỉnh Phú Yên giải quyết việc làm cho 24.196 lao động, đạt 108, 81%.
Trong đó: Thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh có 87.609 lao động được tạo việc làm. Số lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay hỗ trợ tạo việc làm 10.139 lao động. Thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm 21.104 lao động. Có 1876 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có 375 người.
Lao động có việc làm mới tăng thêm là 24.040 người, bình quân 4.808 người/năm, đạt 102,29% kế hoạch. Giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh đến cuối năm 2020 còn dưới 2%.
Ngoài kết quả đạt được nêu trên, ông Đinh Khắc Đô cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế về công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đó là, các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng chưa đồng bộ để mở sàn giao dịch việc làm. Chưa tổ chức được phiên giao dịch việc làm vào một ngày cố định hàng tháng. Việc kết nối thị trường lao động trong tỉnh ra với thị trường lao động của các tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và nước ngoài chưa thực hiện thường xuyên.
Công tác dự báo thị trường lao động cũng chưa được thực hiện, nên tỷ lệ lao động tìm kiếm việc làm thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa tổ chức sàn giao dịch việc làm vì chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, nên việc tuyên truyền cho người lao động đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế.
Về mục tiêu, giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hội nghị cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi năm giải quyết việc làm 25.000 lao động. Trong đó: có việc làm mới tăng thêm 4.700 lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đi thực tập sinh ở Nhật Bản từ 300-500 lao động.
Sau khi nghe ý kiến tham luận của các đại biểu đại diện Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và xã hội các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, ông Võ Văn Binh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã giải đáp những vướng mắc của các đại biểu nêu ra và chỉ đạo các giải pháp để đẩy mạnh đạt mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Đó là, trên cơ sở mục tiêu, giải pháp về giải quyết việc làm của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm của địa phương mình phù hợp cả giai đoạn và hàng năm. Giao cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh chủ động làm việc với các đối tác có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức học ngoại ngữ tại địa phương để tạo thuận lợi hơn cho người lao động đăng ký đi làm việc ngoài nước theo hợp đồng.
Trên cơ sở chính sách của tỉnh, các địa phương có chính sách phát triển kinh tế-xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm.
Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tăng cường đầu tư nguồn lực cho vùng nông thôn, dân tộc thiểu số bằng cách đào tạo gắn với việc làm, nâng dần kỹ năng làm việc và tiếp cận kiến thức chất lượng cao. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động, tạo mối liên kết cung-cầu thông qua thu thâp thông tin, thông qua hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, nhằm tăng số lượng lao động có việc làm mới và nâng cao chất lượng việc làm.
Một giải pháp quan trọng nữa mà ông Võ Văn Binh chỉ ra, đó là tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập được tham gia đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi và cho dân tộc thiểu số để tạo việc làm tại chỗ, gửi thông tin tuyển dụng đến các Trung tâm dịch vụ việc làm, để được chuyển đến các cơ quan thông tin đại chúng thông báo theo chuyên mục "việc tìm người" và "người tìm việc" đối với người lao động.