Theo Kang Wan Chern, cây bút bình luận trên báo Straits Times (Singapore), khi đọc tin tức về việc cải thiện sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người lao động đã trở thành ưu tiên quốc gia, cô không coi đây là bản tin thông thường.
Kang cho biết, cô từng bị giày vò bởi sự tự ti và lo lắng trong suốt quá trình làm việc. Giờ đây Kang nhận ra rằng, những cảm xúc đó là không cần thiết.
Chính phủ Singapore đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sức khỏe tinh thần của người lao động. Một chiến lược quốc gia về sức khỏe và hạnh phúc đã được tiến hành với các mục tiêu cần sự phối hợp, đào tạo và tăng chi tiêu ngân sách.
Các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều sáng kiến tại nơi làm việc để xác định và kiểm soát vấn đề sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, việc chăm sóc người lao động và đảm bảo họ hạnh phúc không nhất thiết phải là quá trình phức tạp và cứng nhắc.
Đôi khi, tất cả những gì cần làm chỉ là có một người lãnh đạo tinh tế, một người sẵn sàng dành thời gian giúp đỡ nhân viên trẻ đang gặp khó khăn, thấu hiểu nỗi thất vọng và bất an của họ, đồng thời đặt mọi thứ vào đúng hoàn cảnh.
Đó là những gì cần thiết để tạo động lực cho người lao động, cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp họ tự tin hơn và phát triển sự nghiệp.
Vài năm đầu, Kang làm tư vấn thuế tại một công ty kế toán. Lúc đầu, cô làm việc tại Malaysia với tư cách sinh viên mới tốt nghiệp, sau đó chuyển đến văn phòng tại Singapore. Công việc hàng ngày của Kang chủ yếu là xem tài liệu và xử lý số liệu để tính toán số thuế mà khách hàng phải nộp.
Vào thời điểm đó, Kang và đồng nghiệp phải kiểm tra kỹ hộ chiếu của khách hàng để tính số ngày họ đã ở Singapore. Điều này sẽ quyết định tình trạng thuế của họ trong năm tính thuế.
Kang và đồng nghiệp sẽ gửi bản sao của các bức thư dài nhiều trang để thông báo tới khách hàng về số tiền cần nộp và các bước tiếp theo. Toàn bộ hồ sơ này sau đó được chuyển lên cấp trên, từ người quản lý kiểm tra công việc cho đến giám đốc hoặc cấp lãnh đạo của công ty để ký duyệt.
Nhiều đồng nghiệp của Kang rất giỏi. Họ có thể hoàn thành nhiều hồ sơ tính toán thuế trong một ngày. Nhưng bản thân Kang lại thấy công việc này thật mệt mỏi và nhàm chán.
Cô không hiểu điều này sẽ giúp ích gì cho sự nghiệp của mình. Kang dần mất hứng thú và làm việc ngày càng chậm. Cấp trên sớm nhận ra điều đó nên họ thường xuyên đến bàn làm việc của Kang để kiểm tra, hối thúc tiến độ và hỏi khi nào xong việc.
Một số người bắt đầu nói chuyện với Kang với giọng khá gay gắt, trong khi những người khác nhận xét rằng với kinh nghiệm, cô không nên mắc những lỗi như vậy. Thậm chí, có người còn nói rằng cô “quá thoải mái và thiếu kỷ luật” trong công việc và khó tiến xa.
Vào thời điểm đó, việc trao đổi với cấp trên để được hướng dẫn hay xin thay đổi vị trí công việc không phổ biến. Nhân viên thường chỉ làm theo những gì mà cấp trên yêu cầu. Dù im lặng là cách phản ứng phổ biến khi bị sếp nặng lời nhưng những lời nói nặng nề và sự đánh giá chủ quan đó có thể gây tổn thương về mặt tinh thần cho nhân viên trong nhiều năm.
Vì không thể chia sẻ với ai nên Kang ngày càng lo lắng. Cô biết rằng một số cấp trên coi mình như một “đứa trẻ rắc rối” trong tập thể. Cô ước ngày đó có một lãnh đạo dành thời gian nói chuyện với cô, giúp cô khắc phục những điểm yếu thay vì quản lý chi tiết như vậy.
Kang cũng ước có một người đi trước trong nghề giải thích cho cô hiểu công việc đang làm đóng góp được gì cho công ty hay thậm chí cân nhắc đổi vị trí công việc để có thể phát huy thế mạnh của bản thân. Nhưng không, Kang chỉ cảm thấy cô đơn, bất lực và hoang mang.
Cuối cùng, Kang rời công ty thuế sau khi một lãnh đạo khuyên cô nên nghỉ việc, đồng thời nói rằng Kang sẽ phải cảm ơn bà. Lời nói đó đã đúng. Lần nghỉ việc đó đã thúc đẩy Kang tìm được công việc trong ngành truyền thông phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Ở đây, cô làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trải nghiệm trong ngành thuế đã gây tổn thương cho lòng tự trọng của Kang và cô đã mang theo “vết sẹo” đó sang những công việc tiếp theo. Việc bị quản lý chặt chẽ ở công việc cũ khiến Kang ngại làm việc độc lập vì sợ mắc lỗi.
Ngay cả khi đã là một nhà báo, Kang vẫn e ngại khi đặt những câu hỏi có thể khiến mình trông ngớ ngẩn. Phải mất một thời gian dài cô mới có đủ can đảm để cầm micro trong các cuộc họp báo và rất lâu sau đó mới tự tin viết báo.
Ngay cả khi sự nghiệp trong ngành truyền thông phát triển mạnh, Kang vẫn phải vật lộn để rũ bỏ những định kiến trong quá khứ. “Phải chăng tôi đang chiến đấu với những căng thẳng tâm lý không đáng có?”, Kang tự hỏi.
Người Singapore đã ghi nhận mức độ trầm cảm cao hơn kể từ đại dịch Covid-19 và những căng thẳng này đã ảnh hưởng đến môi trường làm việc. Theo dữ liệu gần đây của Bộ Nhân lực Singapore, cứ 3 người lao động thì có 1 người cảm thấy khó khăn khi đối mặt với yêu cầu và áp lực công việc, dẫn đến tình trạng căng thẳng và kiệt sức gia tăng.
Một nghiên cứu của Telus Health, công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Canada cho thấy, phần lớn người lao động Singapore, đặc biệt là dưới 40 tuổi, đều cảm thấy thiếu mối quan hệ đáng tin cậy với đồng nghiệp. Họ cảm thấy bị cô lập trong công việc và sợ lên tiếng về những khó khăn của mình vì sợ bị trả thù hoặc bẽ mặt.
Sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc có thể dẫn đến xung đột giữa lãnh đạo và nhân viên, từ đó góp phần gây ra trầm cảm và lo âu tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo và quản lý giỏi có thể nhận ra và phát huy điểm mạnh của nhân viên, đồng thời giải quyết những điểm yếu của họ.
Liệu một người gặp khó khăn trong một lĩnh vực có thể làm tốt hơn ở vị trí khác không? Thay vì quá chú trọng vào quy trình làm việc tiêu chuẩn hay gán mác cho nhân viên, tại sao các lãnh đạo không cởi mở hơn và tìm ra phương pháp thích hợp để khai thác tiềm năng của họ?
Singapore là nước có thị trường lao động cạnh tranh. Các công ty cũng đầu tư rất nhiều vào việc đào tạo nhân viên. Vì sao các doanh nghiệp lại phải đối mặt với nguy cơ mất nhân viên vì những vấn đề sức khỏe tinh thần vốn hoàn toàn có thể ngăn ngừa? “Cần một chút thấu hiểu và sự quan tâm”, Kang cho biết.
Một nghiên cứu của Telus Health, công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Canada cho thấy, phần lớn người lao động Singapore, đặc biệt là dưới 40 tuổi, đều cảm thấy thiếu mối quan hệ đáng tin cậy với đồng nghiệp. Họ cảm thấy bị cô lập trong công việc và sợ lên tiếng về những khó khăn của mình vì sợ bị trả thù hoặc bẽ mặt. Sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc có thể dẫn đến xung đột giữa lãnh đạo và nhân viên, từ đó góp phần gây ra trầm cảm và lo âu tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo và quản lý giỏi có thể nhận ra và phát huy điểm mạnh của nhân viên, đồng thời giải quyết những điểm yếu của họ. |
Bùi Thúy (theo Straits Times)
Báo Lao động Xã hội số 79