Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Tăng cường đảm bảo an toàn cho người lao động - “vốn quý” của doanh nghiệp

Thành Công
Thành Công

Việc tăng cường phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thời gian qua được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về công tác ATVSLĐ cho người lao động. Đây là giải pháp góp phần hạn chế, giảm thiểu tai nạn lao động.

Cơ quan chức năng kêu gọi đảm bảo an toàn tại nơi làm việc

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, qua tổng hợp số liệu từ các ngành chức năng cho thấy, nguy cơ tai nạn lao động, mất an toàn tại nơi làm việc vẫn luôn tiềm ẩn.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 289 vụ tai nạn lao động làm 289 người bị nạn, trong đó có 5 người chết, 29 người bị thương nặng.

Trong số 289 vụ tai nạn lao động, có 45 vụ do lỗi của người sử dụng lao động, 175 vụ do lỗi của người lao động, 69 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh.

1.jpg
Doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyên truyền những quy định, chính sách, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ nhân viên. (Ảnh: Thanh An).

Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng...

Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động là do doanh nghiệp không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; người lao động chưa được tập huấn an toàn lao động; tổ chức lao động chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, còn do không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn, điều kiện làm việc không tốt; người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…

2.jpg
Doanh nghiệp quan tâm đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ nhân viên để phòng tránh tai nạn lao động. (Ảnh: Thanh An).

Doanh nghiệp hành động vì an toàn

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn lao động, từ ngày 19 đến 25/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) phối hợp với Trường Cao đẳng THACO tổ chức khóa đào tạo về ATVSLĐ cho 73 cán bộ nhân viên đang làm việc tại Văn phòng Tổng quản THACO và Văn phòng Sadora TPHCM.

Đây là khóa đào tạo định kỳ do Trường Cao đẳng THACO triển khai cho THACO và các đơn vị thành viên.

Nội dung đào tạo được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng gồm: nhóm người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ; nhóm người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; nhóm người lao động thông thường và nhóm người làm công tác y tế.

Khóa đào tạo do ThS Nguyễn Xuân Khải, ThS Nguyễn Hưng - Giảng viên Trường Cao đẳng THACO giảng dạy các kiến thức gồm: hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; kiến thức cơ bản về ATVSLĐ; nghiệp vụ công tác ATVSLĐ; nội dung huấn luyện chuyên ngành; nội dung huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc.

3.jpg
Công tác an toàn vệ sinh lao động có tầm quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh An).

Tại khóa học, các học viên đã chia sẻ về cách nhận diện và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn mất ATVSLĐ, đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý tình huống khi gặp sự cố.

Chị Phan Thị Minh Phương - Phòng Kinh doanh THACO INDUSTRIES cho biết: “Buổi đào tạo giúp tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng trong công tác ATVSLĐ, từ đó trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp”.

Cũng như chị Phương, anh Trương Viết Cường - Ban Hành chính THACO chia sẻ: “Buổi đào tạo giúp tôi nắm được các quy định, pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, từ đó thực hiện rà soát, đánh giá các khu vực làm việc, phòng kho,… nhằm phát hiện và loại bỏ các yếu tố nguy hiểm”.

Làm việc trong ngành dịch vụ, bên cạnh đảm bảo chất lượng, anh Nguyễn Tuấn Tú - Bộ phận Giám sát dịch vụ Thiskyhall luôn chú trọng đến công tác ATVSLĐ. Anh cho biết: “Trước mỗi sự kiện, tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điện, hệ thống chữa cháy, các thiết bị nhà bếp, thiết bị phục vụ tiệc; đồng thời giám sát chặt chẽ quy trình chế biến và phục vụ thực phẩm”.

Chị Trương Thị Nga – Bộ phận Cung cấp suất ăn tại Văn phòng Sadora bày tỏ: “Thường xuyên làm việc trong bếp, tôi luôn phải đảm bảo thiết bị nấu ăn, dụng cụ bếp, hóa chất tẩy rửa… đều được sắp xếp gọn gàng và sử dụng đúng chức năng. Buổi đào tạo giúp tôi nắm vững các quy trình làm việc an toàn và vệ sinh cũng như thực hiện kiểm tra định kỳ các thiết bị nhà bếp, xử lý rác thải đúng quy định”.

Hay như tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ an toàn vệ sinh viên chuyên trách và bán chuyên trách tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị trực thuộc được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Theo ông Vũ Hữu Tuyến - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Vận tải Hà Nội, công tác an toàn vệ sinh lao động có tầm quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Do đó việc tuyên truyền sâu rộng chủ đề này được thực hiện không chỉ tới đội ngũ cán bộ quản lý mà đông đảo người lao động luôn được lãnh đạo Tổng công ty rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát.

Theo ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp cần triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

"Qua đó góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và bản thân người lao động là những nhân tố quyết định chính đối với vấn đề ATVSLĐ tại nơi làm việc", ông Quý nhấn mạnh.

Tin liên quan