Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “... Bây giờ là thời cơ, cơ hội; muốn phát triển, bộ máy phải nhẹ mới bay được cao”.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều ý kiến cho rằng, để tinh giản thành công cần tập trung vào việc sắp xếp con người và phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh đảm bảo mục tiêu vừa tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ, vừa bảo đảm tính ổn định của bộ máy để phát triển;
Đồng thời, phải quan tâm đến tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ công chức, viên chức.
Thực tế, không ít cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm đã chọn nghỉ sớm vì chế độ tài chính hấp dẫn hơn hoặc cơ hội phát triển trong khu vực tư nhiều hơn. Thách thức đặt ra là phải cân nhắc chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ người cần giữ và loại người cần loại.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã nêu: "Thực tế, có trường hợp người có trình độ, năng lực nhưng do thời gian công tác còn lại ngắn, có thể thấy khoản tài chính theo chế độ nghỉ sớm có lợi hơn, hấp dẫn hơn thì họ có thể xin nghỉ và ra ngoài làm nhiều công việc khác.
Do vậy, phải tính toán căn cơ, bài bản, phải đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tái cấu trúc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.
Tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảnh báo: “Nếu không cẩn thận, e rằng người tốt sẽ ra đi còn người trung bình, yếu kém ở lại. Nếu không có chính sách tốt, chúng ta không giữ được cán bộ giỏi và cũng không đẩy đi được người không phù hợp”.
Quá trình tinh gọn bộ máy, chúng ta không chỉ cần giảm số lượng mà còn phải tăng chất lượng cán bộ, do đó cần có chính sách “giữ chân” người thực tài, tâm huyết cho bộ máy hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, phải mạnh tay loại bỏ những người “nói nhiều làm ít”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hiện không ít trong khu vực công.
Tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" diễn ra ngày 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo lưu ý, việc xây dựng chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, sức khỏe, kinh nghiệm, nhiệt huyết và gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài vào khu vực công, nghiên cứu cơ chế để người lao động có thể "ra - vào" làm việc trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước với thủ tục đơn giản, linh hoạt, thuận lợi.
Làm được như vậy, chúng ta mới thực sự có bộ máy mới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau sắp xếp; đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hà Huy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 152