Thực hiện Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn 7795/UBND-VX về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động.
Trong đó, tỉnh đặc biệt lưu ý về những công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại; công việc trong sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động…
Tỉnh yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đặc biệt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét kiến nghị khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.
Phối hợp với các cơ quan thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, công an tỉnh điều tra kịp thời, xác định nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ tai nạn lao động theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt là những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để kịp thời có biện pháp khắc phục những nguyên nhân nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động tái diễn và có cơ sở giải quyết các chế độ, chính sách cho thân nhân của người bị nạn.
Các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giáp sát, xử lý nghiêm việc thực hiện các quy định trong công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động…
Theo thống kê của Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa, cùng với việc tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã quan tâm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.
Thanh Hóa hiện có trên 1.000 doanh nghiệp đã thành lập được bộ phận an toàn vệ sinh lao động và bố trí người lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật môi trường vệ sinh lao động phụ trách công tác này.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ vẫn chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động và người lao động xem nhẹ công tác này.
Trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 7 vụ tai nạn lao động tại nơi sản xuất, làm 7 người chết, giảm 11 vụ so với năm 2022.
Khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) xảy ra 18 vụ tai nạn lao động, tăng 9 vụ so với năm 2022, làm 4 người chết, 14 người bị thương…
Quách Tuấn