Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, địa phương hiện có 8 học sinh mắc Covid-19, cách ly tập trung hơn 1.000 giáo viên, học sinh là F1, cách ly tại nhà hơn 20.000 học sinh, cán bộ, giáo viên…
Trong đó lượng lớn cán bộ, giáo viên trong các khâu của kỳ thi đang phải cách ly nên nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thiếu hụt. Sở sẽ đề xuất Bộ GD&ĐT sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó ở các địa phương là điểm nóng, cần có đợt thi riêng cho học sinh đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Sở GD&ĐT đang tính đến kịch bản tổ chức kỳ thi trong tình huống có dịch, từ điểm thi, phòng thi đều được chủ động chuẩn bị nhiều hơn so với dự kiến để khi phát sinh tình huống, có các phòng thi dự phòng. Riêng lực lượng giáo viên, cán bộ coi thi được chuẩn bị gấp đôi so với dự kiến. Tỉnh cũng khẩn trương lập danh sách để tập huấn, phòng trường hợp cán bộ, giáo viên liên quan F1, F2 phải cách ly dài ngày hơn, có người thay thế.
Cũng như Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh đang thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội từng phần để đảm bảo an toàn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, địa phương ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt như năm 2020. Theo đó học sinh những nơi không có ca mắc, có thể đến trường thi trực tiếp cùng với các địa phương cả nước. Còn lại với học sinh chưa thể đi thi do đang cách ly tập trung thì có thể thi thành đợt 2.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Hà Nội là nơi có số lượng thí sinh đông nhất cả nước với 101.300 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 22.000 so với năm 2020). Dự kiến Hà Nội có 193 điểm thi với trên 4.200 phòng thi. Tới thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị cho kỳ thi vẫn đang được thực hiện.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ủng hộ phương án thi một đợt nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Hiện Sở vẫn ổn định phương án thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Trong trường hợp dịch diễn biến khó lường, Sở sẽ chờ phương án của Bộ GD&ĐT để có đề xuất với UBND thành phố về các phương án tổ chức kỳ thi này trong điều kiện dịch Covid-19.
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, năm trước khi Bộ GD&ĐT quyết định chia 2 đợt thi, thí sinh của Hải Phòng thi đợt 2 ít quá nên tỉnh đã gửi thí sinh sang tỉnh khác dự thi. Năm nay, những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thi trong 1 đợt.
Với thí sinh không phải diện cách ly tập trung (F2, F3) có thể dự thi cùng đợt với học sinh bình thường nhưng thi ở phòng cách ly, thực hiện các quy định về phòng dịch với cả thí sinh và cán bộ tổ chức thi. Nhưng với những địa phương có nhiều học sinh, cán bộ, giáo viên trong diện F0, F1, F2, F3 thì sẽ khó có thể thi cùng đợt và sẽ phải tổ chức đợt thi riêng.
Ông Trà cho rằng, mỗi địa phương có diễn biến cụ thể khác nhau và khó lường được tình hình dịch bệnh, nên có thể chuẩn bị nhiều phương án và quyết định tùy vào thực tế để chọn phương án khả thi hơn vào trước thời điểm ấn định kỳ thi.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, năm nay tỉnh có hơn 11.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đến thời điểm này, chỉ có trường THPT Mai Sơn liên quan Covid-19, học sinh buộc phải nghỉ học, các trường THPT khác vẫn cho học sinh học trực tiếp trên lớp. Từ nay đến khi kỳ thi diễn ra còn khoảng hơn 1 tháng, học sinh hết thời gian cách ly tập trung, tỉnh vẫn sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT 1 đợt.
Hiện Sở GD&ĐT Sơn La đang chuẩn bị thêm số lượng điểm thi, phòng thi dự phòng, tăng số lượng giáo viên, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi để phòng trường hợp bất khả kháng, không đủ lực lượng giáo viên để huy động coi thi, chấm thi, làm phách… Sở huy động thêm khoảng 25% giáo viên dự phòng.
Đồng thời, địa phương này cũng chuẩn bị cả thiết bị chiếu tia cực tím để diệt khuẩn bài của thí sinh F1, F2. Thí sinh làm bài xong sẽ không trực tiếp nộp bài cho cán bộ coi thi mà cán bộ coi thi dùng tia cực tím quét qua, diệt vi khuẩn, sau đó mới thu bài.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), chúng ta từng có thực tế tổ chức đợt thi thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Vì thế hiện Bộ vẫn xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tổ chức nhiều đợt thi.
Trường hợp số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch (F1, F2, F3, thí sinh ở trong vùng bị phong tỏa) nhiều, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đến phương án tổ chức đợt thi thứ hai cho đối tượng này. Nếu số thí sinh trong diện trên không nhiều thì có thể tính toán phương án thi một đợt nhưng có khu vực/phòng thi cách ly cho thí sinh trong diện F1, F2, F3.