Sau lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân Lễ phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, ai có nhiều đóng góp nhiều, ai có ít đóng góp ít, nhiều người đã nhường cơm sẻ áo, tài trợ tiền, vật tư y tế, vaccine cho Việt Nam. Trong những ngày qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký ủng hộ tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 623 tỷ đồng. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… số tiền đăng ký ủng hộ đã lên đến gần 1.600 tỷ đồng.
Những gói quà được chia cẩn thận trước khi vào vùng dịch Bắc Giang, từ quả cà, củ lạc đến những nhu yếu phẩm mà hàng nghìn hộ dân, công nhân và lực lượng chống dịch đang cần đến từng ngày.
Tham gia vào một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội được 5 năm, mấy ngày gần đây, chị Đào Thị Lương - Giám đốc HTX Tâm Anh, Phú Xuyên, Hà Nội gần như không ngủ để kêu gọi, rồi trực tiếp đi thu mua đồ để mang đến Bắc Giang.
Trên địa bàn các huyện như Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang, 20 siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân được hình thành. Với công nhân phải ở lại phòng trọ, những đồ sinh hoạt, thực phẩm được tiếp tế như thế này thực sự làm họ ấm lòng.
Những hình ảnh đầy xúc động như thế có thể bắt gặp khắp mọi miền Tổ quốc tạo nên sức mạnh đồng lòng để cả nước chung tay chống dịch.
Tuy vậy, trong gian nan luôn sáng lên những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, theo truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Những vật dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, những thùng hàng nhu yếu phẩm hàng ngày và nhiều hàng hóa khác đã chở theo tấm lòng cao cả của người dân Thủ đô, làm ấm lòng những người ở tuyến đầu chống dịch hay những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh.
Trong những ngày qua, ni sư Thích Đàm Hoài, trụ trì chùa Phúc Long, huyện Thanh Trì cùng các phật tử và nhà hảo tâm đến tận xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai, ở phố Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng để trao những món quà ý nghĩa, khi cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Cùng với đó, hàng ngày ni sư và phật tử chùa Phúc Long chuẩn bị hàng trăm suất cơm từ thiện hỗ trợ cho bệnh nhân đang phải cách ly tại Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.
Ni sư Thích Đàm Hoài, trụ trì chùa Phúc Long cho biết, trước tình cảnh bệnh nhân Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp gặp khó khăn, trong đó có bệnh nhân bị cách ly do dịch COVID-19, nhà chùa đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, các phật tử nấu cơm thiện nguyện giúp bệnh nhân. Khi được các nhà hảo tâm, phật tử phát tâm ủng hộ tiền mặt, gạo, rau củ quả, sữa..., hàng chục phật tử đã cùng nhà chùa hàng ngày dậy sớm chuẩn bị những suất cơm tình nghĩa phục vụ bệnh nhân.
Cũng trong dịp này, nhóm Thiện Từ Tâm ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm với sự chung tay của ba thành viên Ngô Văn Thức, Lê Thu Phương và Nguyễn Thị Kim Trang luôn tất bật với công tác thiện nguyện giúp những ở tuyến đầu chống dịch và người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Hà Nội cũng như ở Bắc Giang. Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của những người ở tâm dịch, nhóm Thiện Từ Tâm kêu gọi mọi người chung tay đóng góp và được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn, quạt điện, thực phẩm...
Chị Lê Thu Phương cho biết: Từ ngày 22/5 đến nay, các thành viên trong nhóm còn nấu tới hơn 2.000 cốc chè gửi đến tổ dân phố cơ khí Yên Viên, huyện Gia Lâm; khu cách ly Trường Trung học Cơ sở Hoàng Ninh, Trường Mầm non Tân Thanh, Trường Mầm non Mỹ Thái, Trung tâm Y tế huyện và các khu cách ly khác trong huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Những chuyến hàng chở đầy tình nghĩa, vừa động viên những người ở tuyến đầu chống dịch và ở những nơi phong tỏa về tinh thần, vừa chia sẻ bớt những khó khăn của họ. Nhiều người được ấm lòng lại khi được nhận những món quà, những lời động viên, thăm hỏi ân cần của nhóm.
Khi dịch COVIOD-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân đứng kêu gọi lòng hảo tâm ủng hộ những người ở tuyến đầu chống dịch, người dân ở những nơi bị cách ly và những người bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bên cạnh tấm lòng hảo tâm của ni sư chùa Phúc Long và nhóm Thiện Từ Tâm, rất nhiều những hành động thiện nguyện khác đã dốc lòng động viên, chia sẻ khó khăn với những người đang đối mặt với dịch bệnh.
Đó là, các bạn trẻ thuộc Đội Thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh thuộc Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực phía Bắc miệt mài làm gần 5.000 mũ chắn giọt bắn tặng các tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Anh Lê Trọng Hiệp cùng các bạn trong Câu lạc bộ bán tải Đông Anh tích cực hưởng ứng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong huyện, phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho các chốt trực tại các thôn, quyên góp hỗ trợ và vận chuyển miễn phí hàng hóa cho tâm dịch Bắc Giang. Các hội viên Hội làng nghề xã Hiệp Lộc, huyện Phúc Thọ kêu gọi hội viên cùng bà con trong xã ủng hộ khu vực cách ly xã Hiệp Thuận cùng trong huyện tiền mặt cùng các vật dụng sinh hoạt, nước sát khuẩn, khẩu trang và thực phẩm...
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cùng chung tay ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ phần lớn trong số hơn 43 tỷ đồng tiền và hàng hóa cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội. Trong đó, bên cạnh những doanh nghiệp lớn hỗ trợ lên tới hàng tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã hỗ trợ kinh phí và hàng hóa với trị giá hàng trăm triệu đồng...
Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu "Lá lành đùm lá rách" hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng". Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay, luôn biết yêu thương, chia sẻ nhau, cùng nhau vượt qua gian nan. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, rất nhiều người gặp khó khăn, vất vả, nhất là những người có thu nhập thấp, những người bệnh tật. Họ có thể mất việc làm do công ty giảm lao động; có thể giảm thu nhập khi thành phố yêu cầu các cửa hàng tạm dừng kinh doanh; có thể không được chữa bệnh do bệnh viện bị phong tỏa; có thể thiếu các thực phẩm sinh hoạt do ở trong khu cách ly; có thể thiếu các vật dụng chống dịch do kinh phí mua sắm không có nhiều... Trong bối cảnh đó, những tấm lòng thiện nguyện, những nghĩa cử cao đẹp phần nào đã an ủi, tiếp thêm động lực cho họ vượt qua. Không có một giới hạn, khoảng cách nào ngăn cách những tấm lòng hướng về nhau.
Hiện nay, những tấm lòng, những nghĩa cử giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan tỏa ở khắp nơi. Thành phố Hà Nội kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là trong thời điểm hiện nay. Thành phố còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút thật nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong phòng, chống dịch COVID-19.