Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thành tựu giảm nghèo đạt ấn tượng nhất trong các mục tiêu phát triển bền vững

(Dân sinh) - “Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, được xem là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, Báo cáo “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020” của Chính phủ vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Thành tựu giảm nghèo: Đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết cho bà con dân tộc thiểu số nghèo xã biên giới Trịnh Tường (Lào Cai) - Ảnh minh họa

Thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội

Theo Báo cáo "Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020" của Chính phủ vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 27/5, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-1irnh]ng với sự quyết tâm cao, nỗ lực bền bỉ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống của Nhân dân.

Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí (TKCLP) được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Do vậy, năm 2020, đất nước ta đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với những điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật được, xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua.

Với tinh thần nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng, khó khăn với người dân, doanh nghiệp, như: Xem xét hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng chính sách xã hội trong thời gian có dịch bệnh... Rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống thiên tai, lũ lụt, lở đất; thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất, cứu hộ, cứu nạn; cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cứu trợ, cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giáp hạt đầu năm ở một số địa phương khó khăn, vùng bị thiên tai.

Triển khai sớm các giải pháp cấp bách kiểm soát hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, nhờ đó diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng 9,6% so với năm 2016, trong khi xâm nhập mặn năm 2020 khốc liệt hơn.

Đánh giá về tình hình tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý Ngân sách Nhà nước đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Báo cáo cho rằng "đạt kết quả tốt".

Báo cáo nêu, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tiếp tục được thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra; thúc đẩy sự chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ngân sách trung ương đã bố trí 22,85 nghìn tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội như: Giáo dục, đào tạo, dạy nghề; y tế và các chính sách đảm bảo xã hội khác như hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Giảm nghèo dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh (tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn dưới 3%, giảm từ 1-1,5% so với cuối năm 2019; riêng các huyện nghèo còn dưới 24%, giảm trên 5% so với cuối năm 2019).

Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.

"Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, được xem là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", Báo cáo nêu.

Dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê, Báo cáo "Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020" của Chính phủ cho biết, ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4.190 nghìn đồng/người/tháng.

Thiếu đói trong nông dân hầu như không xảy ra trong những tháng cuối năm. Tính chung năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 75,9% so với năm trước.

Báo cáo của Chính phủ cũng ghi nhận, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội đảm bảo, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; các đối tượng chính sách xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo.

Cụ thể, tặng các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội hơn 24,9 nghìn tỷ đồng (đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19 13,4 nghìn tỷ đồng, đối tượng chính sách và người có công hơn 4,1 nghìn tỷ đồng, hộ nghèo, hộ cận nghèo 3,1 nghìn tỷ đồng ); phát tặng các đối tượng chính sách 26,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của thiên tai 2.161,8 tỷ đồng và 23 nghìn tấn gạo.