Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19. Song song với đó, nhiệm vụ kép hiện nay là phải chống dịch tốt, giữ ổn định đời sống nhân dân, nhịp độ sản xuất cũng như các hoạt động xã hội khác của đất nước. Do đó, ổn định an ninh lương thực là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất cứ tình huống nào.

Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (ảnh Chinhphu.vn)

Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020". Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong 3 nước xuất khẩu lớn của thế giới, sản lượng đạt 5-7 triệu tấn/năm. Gần đây, các địa phương áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đầu tư vào sản xuất, năm 2019, gạo Việt Nam đã được công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đời sống người dân được cải thiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các nhà khoa học đánh giá lại những kết quả đạt được và những hạn chế, đưa ra những giải pháp trong sản xuất lương thực; tính toán cần giữ diện tích lúa bao nhiêu, ở mức nào cho hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nền nông nghiệp nhiệt đới; đầu tư giống, cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghiệp chế biến, bảo quản, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, sản lượng lớn nhưng phải đi kèm với chất lượng…

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn 2009-2019, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực tăng từ 497kg/người/năm lên trên 525kg/người/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này.

Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần, thu nhập người trồng lúa cơ bản bảo đảm có lãi hơn 30% so với giá thành sản xuất, có nơi đạt cao hơn nhiều. Việt Nam không chỉ tự bảo đảm mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu thị trường đa dạng, chủng loại chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án còn 6 chỉ tiêu chưa đạt hoặc khó đạt, gồm 2 chỉ tiêu về sản xuất ngô; 1 chỉ tiêu về chăn nuôi; 3 chỉ tiêu về bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Dự báo, dân số Việt Nam đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2030; nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng (số lượng lương thực tăng thêm khoảng 2 triệu tấn). Để đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong Chiến lược Phát triển thị trường gạo thì cần 3,5 triệu héc ta đất lúa; năm 2030, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa.

Tin liên quan