Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên – Huế: Hồ sơ đề nghị trợ cấp ảnh hưởng Covid-19 nộp về cấp xã rất lớn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, lượng hồ sơ các đối tượng nộp về UBND cấp xã rất lớn. Người dân nộp trực tiếp nên cán bộ tiếp nhận phải tiến hành số hóa nhập vào phần mềm dịch vụ công trực tuyến tạo áp lực cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã.

Thừa Thiên – Huế: Hồ sơ đề nghị trợ cấp ảnh hưởng COVID-19 nộp về cấp xã rất lớn - Ảnh 1.

Thừa Thiên - Huế đã chi trả hoàn thành 99,6% tiền hỗ trợ Covid-19 đợt 1

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt danh sách hỗ trợ người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng là 134.907 người, với kinh phí chi trả hơn 149,178 tỷ đồng.

Tính đến ngày 22/5, Thừa Thiên – Huế đã chi trả hoàn thành cho 133.748 đối tượng; phát hiện trùng không chi trả 560 đối tượng; 599 đối tượng chờ xin ý kiến chỉ đạo trong tổng số 134.907 đối tượng được phê duyệt đợt 1, tỷ lệ thực hiện hoàn thành 99,6%.

Bên cạnh đó, từ nguồn huy động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thừa Thiên – Huế đang triển khai hỗ trợ cho 12 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn gặp khó khăn trong vận động nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng cho 141 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng tại cộng đồng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020); Hỗ trợ mức 250.000 đồng/người/tháng cho 145 khẩu tại 30 hộ gia đình nghèo, cận nghèo phát sinh trên địa bàn tỉnh từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 1,01 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết 42/NĐ-CP của Chính phủ, hiện các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đang trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các đối tượng.

Theo số liệu thống kê đến ngày 22/5, Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 314 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1.195 hộ kinh doanh; 91 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 16.774 người lao động không có hợp đồng lao động. Riêng huyện A Lưới chưa có báo cáo số liệu.

Hiện đã có 3 địa phương tại Thừa Thiên – Huế thực hiện thẩm định, rà soát và niêm yết danh sách đối tượng, gồm: Huyện Nam Đông, thị xã Hương Thuỷ và Hương Trà.

Theo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế, hiện tại, lượng hồ sơ các đối tượng nộp về UBND cấp xã rất lớn, người dân nộp trực tiếp nên cán bộ tiếp nhận phải tiến hành số hóa nhập vào Phần mềm dịch vụ công trực tuyến tạo áp lực cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã.

Mặt khác, tất cả UBND cấp xã, huyện đều thành lập tổ thẩm định hồ sơ. Đối với cấp xã, thành phần gồm lãnh đạo và công chức cấp xã, một số thành phần là cán bộ bán chuyên trách. Để đảm bảo tiến độ, các thành viên tổ thẩm định hồ sơ phải làm việc thường xuyên, kể cả ngày nghỉ nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác thẩm định hồ sơ bao gồm chi phí hành chính cũng như thù lao.

Thừa Thiên – Huế: Hồ sơ đề nghị trợ cấp ảnh hưởng COVID-19 nộp về cấp xã rất lớn - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế kiểm tra công tác rà soát đối tượng tại huyện miền núi A Lưới

Trên thực tế, hiện nay có khá nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường tại Thừa Thiên – Huế vẫn còn lúng túng, mơ hồ trong việc xác định đối tượng. Trước đó, tại buổi kiểm tra công tác lập danh sách, rà soát đối tượng của Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu tại 1 số phương của TP. Huế, các địa phương đã phản ánh thực trạng này. Để giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, UBND, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành nhiều văn bản, đồng thời thường xuyên tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương vào ngày Thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần để nắm tình hình, trao đổi, thống nhất hướng tháo gỡ vướng mắc để kịp thời hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra mới đây của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế tại huyện miền núi A Lưới, nhiều cán bộ phụ trách lao động – xã hội cấp xã tiếp tục phản ánh việc khó khăn trong xác định đối tượng.