Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thừa Thiên Huế tổng ra soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025

Ngày 14/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.

Thừa Thiên Huế tổng ra soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025

Theo đó, các tiêu chí đối với việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 sẽ được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.

Đối với việc tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 sẽ bao gồm: Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, gồm: Tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Các tiêu chí chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 gồm:

Chuẩn hộ nghèo, đối với Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Theo ông Đặng Hữu Phúc- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng trong xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022- 2025 là việc làm của người dân. Ông Phúc cho rằng, đa số lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều có việc làm không ổn định, làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) và nhà nước chưa có cơ sở dữ liệu quản lý cụ thể, nên rất khó để xác định. Do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý những đối tượng lao động này. Ông Phúc đánh giá, với việc triển khai Nghị quyết 68/NĐ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, trong đó có đối tượng lao động không có quan hệ lao động sẽ là căn cứ để thuận lợi trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý với những đối tượng này thời gian tới.

Lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế cũng nhận định, theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng cao, trên 13,5% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng khoảng 42.500 hộ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người không có việc làm, mất việc làm; hàng chục ngàn người lao động Thừa Thiên Huế làm việc ngoại tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh đã trở về địa phương và dự báo số lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Do đó, công tác giải quyết chiều thiếu hụt việc làm bền vững cho người dân trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Được biết, để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác rà soát, trong ngày 14/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 (do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trường ban.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...