Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Quy định mới về lương, giá bán điện sẽ có hiệu lực từ tháng 9

Trần Huyền
Trần Huyền

Bắt đầu từ tháng 9/2024 nhiều chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực, đơn cử như quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước.

Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:

- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH ) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Quy định mới về lương, giá bán điện sẽ có hiệu lực từ tháng 9 - 1
Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2024 (Ảnh minh họa: IN).

- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).

- Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/9/2024.

Thông tư 09/2024/TT-BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: Phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức...

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg và quy định tại Thông tư này.

Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập ngành lao động, người có công và xã hội

Thông tư 08/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 15/9/2024 quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành lao động, người có công và xã hội được phân loại như sau:

Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ

- Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

- Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

+ Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

- Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại 2 mục trên.

Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quyết định của cơ quan khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của cấp có thẩm quyền.

Phân loại theo mức tự chủ về tài chính

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Thông tư 07/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 15/9/2024 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Thành viên hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Là công chức hoặc viên chức. Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản lý là đại diện của tổ chức có lợi ích liên quan thì không bắt buộc phải là công chức hoặc viên chức.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín, có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Không đang trong thời gian khởi tố, truy tố, điều tra xét xử, chấp hành quyết định kỷ luật, không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức 2008; Điều 56 Luật Viên chức 2010; khoản 17 Điều 1 và khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019.

- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

- Đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm lần đầu làm thành viên Hội đồng quản lý phải còn tuổi công tác ít nhất 1 nhiệm kỳ đủ 60 tháng tính từ thời điểm bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.

- Không phải là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của bên vợ (chồng) hoặc vợ hoặc chồng hoặc là con đẻ, con nuôi của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có quy định về đối tượng, mức vay, phương thức vay… có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2024. Cụ thể như sau:

* Đối tượng và điều kiện vay vốn:

- Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (sau đây gọi là khách hàng).

- Điều kiện vay vốn: Khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Theo đó, tại Điều 4, 5,6 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg quy định:

* Phương thức cho vay:

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

* Mức vốn cho vay

- Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng.

- Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.

* Thời hạn và lãi suất cho vay

- Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 5 năm (60 tháng).

- Lãi suất cho vay 9,0%/năm.

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Tin liên quan