Cô Trần Thị Kim Chung, Hiệu phó trường mầm non Cáo Điền (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) chia sẻ, đặc thù công việc của giáo viên mầm non vất vả hơn các bậc học khác vì vừa chăm sóc, vừa giáo dục.
Hàng ngày, các cô phải đến trường từ 6 giờ sáng và rời trường lúc 17h30 phút. Trong khi đó, với mức lương rất thấp, nhiều cô giáo phải tranh thủ làm thêm như: Bán hàng online, đi gặt, cấy, phơi ván thuê… Họ thường có nhu cầu dạy thêm trong hè để tăng thu nhập.
“Không những thế, giáo viên thường xuyên phải đi tập huấn, phải tự lo kinh phí đi lại vì nhà trường không có nguồn để hỗ trợ. Do vậy, nhà trường chủ yếu cử giáo viên biên chế vì dù sao lương biên chế cũng cao hơn so với lương hợp đồng”, cô Chung cho biết thêm.
Chia sẻ về thu nhập của giáo viên trường mầm non Cáo Điền, cô Chung cho biết, đã cống hiến trong ngành giáo dục gần 30 năm nhưng cũng chỉ có lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Đối với giáo viên mới thuộc biên chế của trường, lương được gần 5 triệu đồng/tháng, còn giáo viên hợp đồng là từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Bản thân cô ngoài giờ lên lớp cũng chăn nuôi thêm gà, lợn để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
“Biết rằng từ chủ trương đến thực tế còn là chặng đường dài, chúng tôi mong muốn chủ trương về tiền lương nhà giáo sớm thành hiện thực. Điều này không chỉ giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề mà còn góp phần bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày một tốt hơn”, cô Chung kỳ vọng.
Cô Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Bắc Kạn cho biết, tình trạng giáo viên bỏ việc nhiều ở khu vực miền núi rất đáng báo động. Có gia đình cả hai vợ chồng đều là giáo viên nhưng lương cộng lại cũng chỉ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Trường hợp khác, hai vợ chồng đi dạy ở hai huyện khác nhau, cuộc sống xa cách, con còn nhỏ nên đã bỏ nghề giáo để đi làm doanh nghiệp... “Hiện một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa của Bắc Kạn không có giáo viên toán, tiếng Anh. Đó là sự thiệt thòi cho học sinh”, cô Sinh nói.
Theo cô Sinh, khi phải làm thêm việc khác, giáo viên khó mà chuyên tâm với nghề. Trong khi giáo dục đang đổi mới, nếu giáo viên không dành thời gian để đầu tư cho chuyên môn sẽ gặp khó trong công tác giảng dạy. Cùng với đó, nhiều trường học không có điện, nước, đường đi lại khó khăn, học sinh phải vận động mới đến trường… Thực sự là rất khó níu kéo giáo viên ở lại với nghề.
Cô Sinh cho rằng, nếu đề xuất tiền lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp trở thành hiện thực, đó còn là chính sách phát triển giáo dục bền vững.
Đồng thời, khi có mức lương tương xứng với yêu cầu công việc, nhà giáo sẽ yên tâm gắn bó và cống hiến. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng giáo viên chuyển nghề.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu giáo viên, chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Tính từ 8/2023 đến tháng 4, 7.215 giáo viên đã nghỉ việc, chuyển việc, đáng lưu ý là tỷ lệ giáo viên dưới 35 tuổi bỏ việc còn nhiều. |
Cù Hòa
Báo Lao động Xã hội số 64