Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Việt Nam: “Bến đỗ” mới trong cuộc đua sản xuất chip toàn cầu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ và Việt Nam nổi lên như điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.

Trong tương lai gần, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.

Sức hút với các “đại bàng" công nghệ

Công ty Shunsin Technology Việt Nam, chi nhánh của Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh Bắc Giang. Dự án này đang trong quá trình xin cấp giấy phép môi trường và dự kiến được triển khai tại Khu công nghiệp Quang Châu trên diện tích 44.343,8 m².

Việt Nam: “Bến đỗ” mới trong cuộc đua sản xuất chip toàn cầu - 1
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn được nhiều trường đại học triển khai. 

Nhà máy mới sẽ sản xuất các bảng mạch tích hợp với sản lượng dự kiến đạt 4,5 triệu sản phẩm mỗi năm. Toàn bộ sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Theo kế hoạch, Shunsin sẽ hoàn thành các thủ tục cấp phép và phê duyệt xây dựng vào tháng 12, bắt đầu xây dựng và lắp đặt thiết bị vào tháng 5/2026. Việc chạy thử dự kiến diễn ra vào tháng 6/2026 và nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào tháng 12/2026.

Amkor Technology, tập đoàn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy với diện tích 200.000m2 sẽ là cơ sở lớn và tiên tiến nhất của Amkor, chuyên cung cấp khả năng đóng gói bán dẫn thế hệ mới.

Hana Micron, công ty Hàn Quốc cam kết đầu tư 1.300 tỷ won (khoảng 930 triệu USD) đến năm 2026 để phát triển các dòng chip nhớ cũ tại Việt Nam. Ông Cho Hyung Rae, Phó chủ tịch Hana Micron cho biết việc mở rộng này nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các khách hàng công nghiệp.

Gã khổng lồ bán dẫn của Mỹ là Nvidia trong sự kiện tới thăm Việt Nam hồi tháng 4, Phó Chủ tịch Keith Strier đã công bố dự án 200 triệu USD cùng với FPT thành lập nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ phát triển AI tại khu vực, đồng thời nâng cao năng lực triển khai dịch vụ AI và Cloud trên toàn thế giới.

Intel, tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới đã xây dựng nhà máy sản xuất chip lớn nhất của mình tại Việt Nam và đã tham gia mạnh mẽ vào triển lãm bán dẫn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam gần Hà Nội.

Theo Bộ KH&ĐT, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028. Ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Hiện, Việt Nam đóng góp khoảng 1% vào công suất toàn cầu về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP).

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group, con số này dự kiến tăng lên từ 8 - 9% vào năm 2032 nhờ các khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn. Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc nâng cao chuỗi giá trị công nghệ trong tương lai.

Giải bài toán nhân lực để giữ chân “đại bàng”

Xác định nhân lực là yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam thu hút được các dự án FDI quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như phát triển các doanh nghiệp trong nước tham gia ngành chip, bán dẫn, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các công ty đang phát triển tại đây.

Nhận thấy nhu cầu lớn về nhân lực vi mạch trong tương lai, gần đây, nhiều trường đại học tăng quy mô đào tạo hoặc mở thêm ngành đào tạo này. PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đơn vị có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn với hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6 - 9 tháng xuống 3 - 6 tháng.

Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn - đây là thông tin được GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Theo GS, TS Chử Đức Trình, nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.

Còn theo PGS, TS Trần Mạnh Hà, Phó trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, từ nay đến năm 2030, Đại học Quốc gia TPHCM cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân, kỹ sư và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Mới đây, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Samsung Electronics trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ định hướng bán dẫn và vi mạch.

Sự hợp tác này là một trong những chiến lược quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận chuẩn quốc tế, nhất là đối với ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn và vi mạch.

Sự kiện này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước đó hồi tháng 5, Tổ hợp Samsung Việt Nam đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân tài ngành bán dẫn thông qua Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ (Samsung Innovation Campus 2023 - 2024).

Cụ thể, Samsung Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) triển khai các lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big data) dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học trong nước.

Nhiều địa phương cũng quyết tâm kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp quan trọng này.

Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, gồm: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách Khoa và các trường đại học trên địa bàn thành phố. Đến nay, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch, bán dẫn với khoảng 5.700 sinh viên.

Ông Robert Li, Phó chủ tịch Synopsys khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Sự quan tâm mạnh mẽ từ sinh viên và lực lượng lao động Việt Nam, kết hợp với các chương trình hỗ trợ của chính phủ đang thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm nhân tài bán dẫn”.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 137