Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam chưa thể tận dụng tiềm năng đất hiếm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới chỉ dưới 10 tỷ USD một năm nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: Thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, quân sự…

PGS, TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu cho biết, tuy sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn, việc khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam còn rất hạn chế, chưa thể phục vụ công nghiệp bán dẫn, xe điện.

Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu, tách chiết ra sản phẩm đất hiếm, cần nghiên cứu và có chính sách để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ.

Theo ông Sơn, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn (22 triệu tấn - theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ), đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Song đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

dat hiem.png
Một mỏ khai thác đất hiếm.

Nguyên nhân được ông chỉ ra do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng tối thiểu 95%; đồng thời chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ. 

Lấy ví dụ với đất hiếm ở Lai Châu, chuyên gia cho biết, các công trình nghiên cứu đến nay đều dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, vấn đề về thuốc tuyển chưa giải quyết được nên chất lượng tuyển không cao, chất lượng quặng tinh đất hiếm cuối cùng không được như mong muốn.

Hay như quặng đất hiếm mỏ Đông Pao (Lai Châu) có thành phần vật chất phức tạp, quặng bị phong hóa mạnh, tỷ lệ cấp hạt mịn trong quặng lớn. Mỗi thân quặng của mỏ có đặc trưng riêng về cấu trúc và thành phần vật chất, do đó công nghệ tuyển làm giàu đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ.

“Công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ chế biến sâu đất hiếm cũng gặp khó do đòi hỏi trình độ cao, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy,   đây được xem là nguồn tài nguyên rất quý giá.

 

Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... quan tâm, nghiên cứu và bày tỏ quan điểm muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm.

Tuy nhiên, chỉ số ít nhà sản xuất tại các quốc gia này có công nghệ chế biến sâu đất hiếm. Họ đều giữ bản quyền, bí mật và không chuyển giao công nghệ. Công nghệ chế tạo kim loại đất hiếm, tạo ra các nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm cho ngành xe điện, điện gió, công nghiệp quốc phòng... đòi hỏi ở một trình độ công nghệ rất cao và gần như chưa bắt đầu ở nước ta. 

Trước thực trạng trên, để khai thác hiệu quả và hợp lý nguồn tài nguyên đất hiếm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất Chính phủ điều tra và đánh giá trữ lượng đất hiếm, ưu tiên ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khảo sát để có định hướng khai thác, chế biến và ứng dụng hiệu quả đất hiếm Việt Nam.

Cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược, quy mô lớn như urani, đất hiếm, làm cơ sở phát triển bền vững xã hội. Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ bằng cách thành lập các trung tâm nghiên cứu mạnh về đất hiếm, tập hợp đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại về công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm và xử lý môi trường. 

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xung phong xây dựng chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu đất hiếm, phân chia riêng rẽ các oxit đất hiếm độ sạch cao, công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cho ngành công nghiệp ô tô điện, điện gió để sớm đưa vào thực tế sản xuất trong vòng 10 năm tới.

Các nhà khoa học cũng đề xuất ban hành cơ chế, chính sách riêng để phát triển công nghiệp đất hiếm Việt Nam, trong đó gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, phát triển công nghệ và triển khai sản xuất, chế biến.

Việt Nam cần tạo cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm, kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ, nhất là các doanh nghiệp từ các quốc gia có nền công nghiệp đất hiếm phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ...

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở    Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc (44 triệu tấn),  Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Bộ TN&MT thống kê, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể là trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Việt Nam bắt đầu khai thác đất hiếm từ năm 2014, nhưng việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hình thức khai thác nhỏ lẻ, thậm chí còn xuất hiện tình trạng khai thác và buôn lậu đất hiếm.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu đất hiếm dưới dạng quặng thô có giá thành không cao.

 

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 87