Theo Vietnamnet.vn, trong báo cáo tác động thiên tai, dịch bệnh đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho, hay dịch tả lợn châu Phi được nhận định là "phức tạp, nghiêm trọng" ngay từ khi bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 8/2018. Nhiều giải pháp được triển khai để ngăn ngừa dịch bệnh tràn này vào Việt Nam.
Tuy nhiên, đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm với lợn, chưa có vắn xin phòng bệnh cũng chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, từ khi xâm nhiễm vào Việt Nam đến nay, gần 6 triệu con lợn đã mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy (tương đương khoảng 340 nghìn tấn thịt lợn), gây thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỷ đồng.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tái đàn. Kết quả trong 4 tháng đầu năm nay, việc tái đàn, tăng đàn đã đáp ứng 80%. Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng tăng gần 450% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, nguồn cung hiện nay vẫn thiếu hụt khoảng 20% đã đẩy giá thịt lợn lên mức cao chưa từng có.
Cụ thể, từ tháng 1 - 3/2019, lợn hơi xuất chuồng duy trì ở mức giá 45.000 - 47.000 đồng/kg; tháng 4 - 7/2019 giảm còn 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30.000 đồng/kg. Song, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi dẫn tới mất cân đối cung - cầu đẩy giá lợn hơi tháng 8 - 12/2019 từ 42.000/kg vọt tăng lên mức 90.000 đồng/kg.
3 tháng đầu năm nay, giá lợn hơi giảm từ 90.000 đồng/kg xuống 73.000 đồng/kg. Đáng chú ý, từ 1/4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng loạt giảm xuống mức 70.000 đồng/kg.
Bất chấp mọi “lệnh” giảm giá của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi tại một số địa phương tăng lên 95.000 - 98.000 đồng/kg, thậm chí chạm mốc 100.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong lịch sử.
Tại các chợ, siêu thị ở nước ta, thịt lợn từ món ăn bình dân nay trở thành hàng đắt đỏ với giá dao động từ 150.000 - 320.000 đồng/kg tùy loại.
Liên quan đến giá lợn, báo Nông nghiệp cho biết, Việt Nam cần duy trì 2,5 - 3 triệu lợn nái để cân đối cung cầu.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chưa bao giờ tôi chứng kiến dịch bệnh nào để lại hậu quả lớn, trên quy mô toàn cầu như dịch tả lợn châu Phi".
“Hiện, các doanh nghiệp, người chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn lợn. Chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2020, chúng ta sẽ khôi phục được quy mô đàn đạt 3,8 triệu con lợn thịt, tương đương năm 2018 (tức thời điểm chưa bùng phát dịch tả lợn châu Phi”, ông Dương nói.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, chúng ta không thể đốt cháy tốc độ tái đàn lợn được. Bởi vì chu kỳ vòng đời của con lợn rất dài. Gà công nghiệp chỉ mất 21 ngày ấp nở, nuôi thêm 42 ngày là có thể xuất bán; gà thả vườn mất khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng. Nhưng để nuôi được một con lợn nái tới lúc đẻ mất hơn 1 năm.