Trước đó, ngày 19/7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH tại các tỉnh thành phía Nam nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt và Tổ công tác đóng ở Văn phòng Đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM (số 45 Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3).
Ngày 22/7, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác, đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 tại 6 tỉnh Nam Sông Hậu.
Tổ trưởng tổ công tác đề nghị các tỉnh cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội.
Từ ngày thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên cập nhật việc hỗ trợ tại các tỉnh thành phía Nam để đưa ra những kiến nghị nhằm gỡ khó cho từng địa phương. Cùng với đó, Tổ liên tục đôn đốc lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân gặp khó vì Covid-19. Đến nay, tất cả các địa phương đã cam kết hoàn thành việc chi hỗ trợ trong tháng 7.
Hiện nay, các tỉnh phía Nam chỉ còn duy nhất tỉnh Vĩnh Long dự kiến bắt đầu chi hỗ trợ từ ngày 23/7, ưu tiên chi trước cho đối tượng là người bán vé số với trên 6.000 người trong tổng số khoảng 9.000 đối tượng đã thống kê.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch tại Cơ sở cai nghiện Bố Lá, Tổ công tác đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tập trung xử lý tình hình tại Cơ sở cai nghiện Bố Lá, đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình phòng chống dịch tại các cơ sở cai nghiện khác và các cơ sở trợ giúp xã hội do Sở quản lý.
Đến thời điểm này, TP.HCM đã cử ê kíp gồm 21 y bác sĩ đế cơ sở cai nghiện Bố Lá để lập Bệnh viện dã chiến, cơ quan Công an cũng đã bổ sung lực lượng để bảo vệ vòng ngoài nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo Tổ công tác, hiện nay, đời sống của người dân ở TP.HCM đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, nhiều người dân khó tiếp cận được với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Đồng thời, một số quận, huyện của TP.HCM đề xuất phương án đưa người lao động về các địa phương để giảm tải cho thành phố, nhất là lao động ở các khu công nghiệp hiện đã dừng sản xuất hoặc lao động giãn việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/2020.
Thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm tra, chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và những vấn đề liên quan.
Tính đến ngày 22/7, tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ cho 93.744 nhân khẩu của 27.000 hộ nghèo, cận nghèo, với hơn 1.202 tấn gạo, tương ứng hơn 18 tỷ đồng, đạt 83% so với hộ nghèo, cận nghèo. Đã hỗ trợ cho 1.785 trong số hơn 10 ngàn người bán vé số, với số tiền 2.677 triệu đồng. Do là địa phương có số ca nhiễm Covid 19 nhiều nhất tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ nên Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện.
Tính đến ngày 22/7, TP Cần Thơ đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 2.041 người bán vé số, số tiền gần 2,45/6,81 tỷ đồng dự kiến chi; duyệt hỗ trợ 34 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, số tiền dự kiến 126,14 triệu đồng; 14 hướng dẫn viên du lịch, số tiền dự kiến 51,94 triệu đồng. BHXH thành phố đã xác định có 3554 người sử dụng lao động và 100.306 người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dự kiến tổng kinh phí trong 12 tháng là trên 32,8 tỷ đồng.