Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và không trục lợi
Theo ông Lê Minh Tấn – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ (1 diện) và không được chi trùng đối tượng hỗ trợ. Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Theo tờ trình, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu việc hỗ trợ dành cho 3 nhóm đối tượng.
Nhóm 1: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
Người lao động có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021. Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Mức hỗ trợ: 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ 1 lần). Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chi hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
Trường hợp người lao động không đủ điều kiện hỗ trợ, UBND TP Thủ Đức, quận - huyện trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động, người lao dộng biết.
Nhóm 2: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ các trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013). Có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc.
Mức hỗ trợ: 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ 1 lần). Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chi hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
Nhóm 3: Người lao dộng không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19; người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn TP (trường hợp tạm trú phải được cơ quan công an xác nhận) không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng.
Nhóm người này phải làm một trong 6 loại công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Đây là chính sách đặc thù của TP HCM nhằm hỗ trợ cho người lao động tự do.
Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Giải pháp hỗ trợ người lao động sớm vượt qua đại dịch
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện quy định giãn cách xã hội của TPHCM, nhiều lao động nghèo (bán vé số, xe ôm, hàng rong…) trên địa bàn đang mong chờ chính quyền Thành phố nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ mới để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, sớm vượt qua đại dịch.
Ông Nguyễn Văn Học ( 54 tuổi, huyện Nhà Bè hành nghề sửa xe ôm), một trong những người được nằm trong diện hỗ trợ lần này, vui mừng chia sẻ, hằng ngày phải mưu sinh bằng nghề sửa xe để nuôi hai con ăn học. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc ngưng trệ, thất thu, ông mong sớm nhận được tiền hỗ trợ đã giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, rất cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước. Tương tự, bà Trần Kim Hoa, ( 60 tuổi, bán vé số) : Nhà nghèo, cuộc sống đã khó lại thêm khó, đợt dịch này không đi bán được. Hàng tháng chi phí ăn uống và tiền thuê nhà trọ, hai vợ chồng cũng chật vật lắm. Nghe tin nhà nước sẽ hỗ trợ hai vợ chồng tôi mừng và đỡ lo lắm.
“Hồi năm ngoái, ông chủ nhà làm hết thủ tục nên tôi nhận được 1 triệu đồng. Đợt này nghe thông báo sẽ được hỗ trợ nữa gia đình tôi mừng lắm”, cô Hoa chia sẻ.
Cô Hoa và chồng hiện đang thuê trọ với giá 2,5 triệu đồng/tháng tại quận Gò Vấp. Trước kia, mỗi ngày cô kiếm được hơn 100.000 đồng từ việc mua đồng nát nhưng nay các quán hàng nghỉ bán nên cô chỉ đi nhặt ve chai và nhận cơm từ thiện để sống qua ngày.
“Chồng tôi đi làm phụ hồ mà dịch bệnh nên bữa làm bữa nghỉ, còn tôi cũng cố gắng để lo chi phí cho gia đình. Mùa dịch này, nếu được chính quyền quan tâm hỗ trợ sớm, chúng tôi rất mừng”, cô Hoa nói thêm.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Kim Tuyền, trước khi dịch xảy ra hai vợ chồng làm cho công ty du lịch Khải Hoàng (Quận 1). Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay công ty đóng cửa nên hai vợ chồng tìm việc làm theo thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống. Giờ TP đóng cửa hết các dịch vụ và hàng quán nên hai vợ chồng thất nghiệp, những ngày này chị hy vọng nhận được hỗ trợ sớm của nhà nước.
Tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP khóa X đã thông qua đề xuất của UBND TP về gói hỗ trợ COVID-19 với 886 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Với gói hỗ trợ rất sớm này, TP đã hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng là người lao động trong các DN, cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục... phải tạm hoãn, nghỉ việc không lương, chấm dứt lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời đối với người dân TP khi dịch lần thứ 4 này đã và đang làm TP này "trọng thương" về đời sống kinh tế. Vì vậy, gói hỗ trợ này phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn trước đại dịch hiện nay.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ