Ông Dương Anh Đức cho biết, đây là nội dung trong công văn 6118 về tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký vào ngày 29/7.
Nếu như những đợt tiêm trước, Thành phố ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền... thì trong thời gian sắp tới, tất cả người dân đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đều được tiêm vaccine phòng COVID-19, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp.
Cũng trong công văn 6188, Bộ Y tế đã tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vaccine. Thành phố đã cụ thể hóa văn bản và ban hành văn bản hướng dẫn chiều 30/7 cho lực lượng tổ chức tiêm vaccine để triển khai. Bộ Y tế cam kết Thành phố triển khai tiêm vaccine đến đâu sẽ hỗ trợ cung cấp vaccine để quá trình tiêm chủng được diễn ra liên tục. Nhiệm vụ của Thành phố là tổ chức tiêm chủng an toàn, không vi phạm quy định Chỉ thị 16. Thành phố không còn ràng buộc vào các đối tượng và cố gắng tăng nhanh độ phủ của vaccine, cố gắng trong tháng 8, tiêm được 2/3 số lượng người dân trên 18 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh.
Để thực hiện được kế hoạch này Thành phố dự kiến cần có 5 triệu liều vaccine. Bên cạnh nguồn vaccine được Bộ Y tế cung cấp thì Thành phố còn nguồn thứ 2 cung cấp chính là nguồn tài trợ. Ông Dương Anh Đức chia sẻ: "10g sáng nay (31/7) sẽ có 1 triệu liều vaccine tài trợ đầu tiên về tới TP. Hồ Chí Minh".
Thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các lực lượng y tế công, tư và tổ chức tiêm linh động như Thành phố vẫn đang thực hiện. Chẳng hạn doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất để đảm bảo quy định và tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện đang triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5. Từ 14h ngày 22/7 đến trưa 30/7, Thanh phố đã tiêm được khoảng 490.000 liều vaccine, đạt trên 50% mục tiêu đề ra. Để đảm bảo năng suất, tùy khả năng, Thành phố được tiêm không giới hạn số lượng. Trước đó, kế hoạch của Thành phố là 120 liều/ngày, sau đó nâng lên 200 liều/ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều kiện cần thiết, Thành phố sẽ tổ chức tiêm cả buổi tối. Việc tăng cường này vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Đợt tiêm vaccine thứ 6 dành cho toàn bộ người dân Thành phố trên 18 tuổi sẽ được triển khai ngay khi đợt thứ 5 kết thúc. Trong đợt tiêm thứ 6 công tác an toàn tiêm chủng vẫn sẽ được đưa lên hàng đầu, tuy nhiên sẽ tinh giảm các thủ tục. Người dân sẽ được phát phiếu đồng thuận tiêm chủng, phiếu khai báo tiền sử bệnh trước tại nhà và thời gian theo dõi sau tiêm sẽ rút xuống còn 15 phút trừ những trường hợp có bệnh nền, trên 65 tuổi.
Tính từ 19 giờ ngày 30/7 đến 6 giờ ngày 31/7, Thành phố ghi nhận thêm 2.503 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 31/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 88.500 trường hợp mắc COVID-19.
Tất cả người dân đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM đã có những đóng góp và đồng hành với sự phát triển của Thành phố, nên sẽ được hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nếu có nguyện vọng ở lại Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội. Trường hợp người dân có nhu cầu về tỉnh thì có thể liên hệ với hội đồng hương hoặc bộ phận tiếp dân tại địa phương cùng phối hợp với TP.HCM lên phương án, kế hoạch bố trí xe đưa rước, xét nghiệm tầm soát và cách ly theo quy định, không được tự ý chạy xe máy về vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời vi phạm quy định về phòng chống dịch theo Chỉ thị 16. Thời gian qua, đã 8 tỉnh, thành đã phối hợp cùng TP.HCM tổ chức đưa gần 5.000 người dân về quê bằng đường hàng không, đường sắt, xe ô tô. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, sớm đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng, tránh chuyển biến nặng, rút ngắn thời gian điều trị F0 và phân bổ nguồn lực y tế phù hợp để hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời đảm bảo vận hành có hiệu quả trung tâm cấp cứu 115, không để chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng. TP.HCM cũng sẽ đưa vào vận hành 200 taxi chuyển công năng và 100 xe cứu thương. Thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở các quận Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 12 để điều phối nhanh chóng bệnh nhân.
Hiện nay số ca F0 trên biểu đồ COVID-19 tại TP.HCM đang đi ngang. Để có thể kéo biểu đồ COVID-19 đi xuống, TP.HCM có thể sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1-2 tuần nữa sau thời điểm ngày 1/8. Thành phố kêu gọi sự ủng hộ, cảm thông và chung sức thực hiện các quy định của Chỉ thị 16, các biện pháp siết chặt để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Đảm bảo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa.