Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuyên Quang: Triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em

(Dân sinh) - Triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn và hằng năm. Trong giai đoạn 2016 - 2019 số trẻ em bị tai nạn thương tích tỉnh Tuyên Quang có chiều hướng giảm.

Sở LĐ-TB&XH ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Kịp thời chuyển tải các tài liệu tuyên truyền trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể đến cơ sở.

Tuyên Quang: Triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em  - Ảnh 1.

Dạy bơi cho trẻ em ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).

Tỉnh Tuyên Quang triển khai xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, nhà trường, gia đình trong việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa các nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích. Đặc biệt là giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình trong sinh hoạt hàng ngày và tử vong do đuối nước đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn.

Công tác truyền thông được tổ chức thường xuyên đến tận hộ gia đình và trẻ em thực hiện nội dung tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước ở trẻ em và trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã phường, thị trấn.

Việc triển khai xây dựng Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em dược triển khai rộng khắp. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phối hợp các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học. Rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn Trường học an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Đồng thời, xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Công an tỉnh đã chủ động báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khắc phục các "điểm đen", điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Đề xuất cắm biển cảnh báo tại các khu vực gần trường học, khu vực đông dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn, thương tích trẻ em.

Từ năm 2015 đến năm 2018, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 06 lớp dạy bơi cho 180 trẻ em trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang. Kết thúc lớp bơi 100% trẻ em biết bơi, được trang bị kỹ năng bơi, kiến thức phòng, ngừa tai nạn thương tích do đuối nước.

Sở LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác chủ trì, phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác Trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói riêng. Đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, nghỉ học trong dịp phòng, chống dịch Covid-19 về sinh hoạt tại cộng đồng, các cấp, các ngành đã phối hợp và tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, khó khăn lớn nhất trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều khi các em phải vui chơi dưới lòng đường, bãi ruộng, tắm ao hồ, sông suối, trèo cây... nhất là trong dịp nghỉ hè dẫn đến tai nạn thương tích xẩy ra. Thiếu bể bơi để tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em tại các huyện. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương còn chưa được chú trọng và chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tai nạn, thương tích trẻ em.

Bài học kinh nghiệm để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đó là cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn thương tích ở trẻ em. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng về công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước. Trang bị những kỹ năng cơ bản cho các bậc phụ huynh, học sinh để xử lý kịp thời khi gặp tai nạn, thương tích. Cùng với đó, triển khai và thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy tai nạn thương tích cho trẻ em.