Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vào mùa nắng nóng, lo sợ trước nguy cơ cháy nổ ở chung cư cũ

(Dân sinh) - Mùa nắng nóng bắt đầu, nguy cơ hỏa hoạn rất dễ xảy ra nếu ý thức và các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) không được nâng cao, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, sau vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza, TP Hồ Chí Minh thì cư dân và các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư lại càng thêm lo lắng về các hiểm họa tiềm ẩn nhất là các chung cư cũ không đảm bảo hệ thống PCCC.

Canh cánh nỗi lo

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP HCM có khoảng gần 500 chung cư được xây dựng, đưa vào hoạt động trước khi luật PCCC ra đời năm 2001. Những chung cư này hiện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn PCCC, nguy cơ cháy cao. Điều này dẫn đến việc cư dân sống ở những chung cư này lo lắng. Ngoài ra các chung cư có độ tuổi lâu đời ở TP HCM cũng đang báo động nguy hiểm, có thể tháo dỡ trong thời gian tới.

Chung cư Trúc Giang (phường 13, quận 4) được xây dựng từ trước năm 1975, gồm 5 tầng, 123 căn hộ với hàng trăm người đang sinh sống. Chung cư này có kết quả kiểm định cấp D, thuộc diện nguy hiểm, cần di dời. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ phần tường và khu vực cầu thang đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống báo cháy.

Vào mùa nắng nóng, lo sợ trước nguy cơ cháy nổ ở chung cư cũ - Ảnh 1.

trên địa bàn TP HCM có khoảng gần 500 chung cư được xây dựng, đưa vào hoạt động trước khi luật PCCC ra đời năm 2001

Còn khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), tình hình cũng không khá gì hơn. Cửa chính và ban công của mỗi căn hộ, chủ nhân tổ chức rào kín bằng song sắt như "chuồng cọp", lỡ có sự cố hỏa hoạn thì không ai cứu nổi. "Ở cư xá này không có hệ thống PCCC, mỗi hộ gia đình tự trang bị cho nhà mình bình chữa cháy mini đề phòng bất trắc. Cư xá cũng không hề có hệ thống báo cháy. Nếu xảy ra cháy thì hậu quả rất khôn lường". Một người dân sống ở chung cư chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, tại một số khu chung cư cũ trên địa bàn TPHCM, như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư Ấn Quang, Ngô Gia Tự (quận 10)…, người đi đường dễ dàng nhìn thấy nhiều ban công phía sau được cơi nới và rào kín bằng lưới sắt. Do chung cư cũ và diện tích của mỗi căn hộ cũng nhỏ nên nhiều người đã tận dụng nới khoảng không ở ban công phía sau ra để làm nơi phơi quần áo, chứa đồ đạc và trồng rau; một số người khác rào lưới sắt để đề phòng trộm cắp. Tại các chung cư này, hệ thống điện và hệ thống chữa cháy đều đã xuống cấp quá mức, dây điện các loại đã cũ kỹ, đan xen chằng chịt bên ngoài.

Sự cũ kỹ ấy tạo nên nỗi bất an về an toàn về điện và công tác phòng, chống cháy nổ. Cần phải thấy rằng, việc xây dựng, cơi nới thêm diện tích ở các chung cư vừa nêu không chỉ làm mất vẻ mỹ quan đô thị, mà còn gây nhiều cản trở cho lực lượng cứu hỏa khi xảy ra các vụ hỏa hoạn.

Bà Phạm Hồng Hạnh (Cư dân Lô A, Chung cư Ấn Quang) cho biết: "Ở đâu cũng có nguy cơ cháy nổ nếu công tác phòng chống không đảm bảo. Nhất là ở các chung cư đã cũ và xuống cấp, tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiều hộ đóng lưới sắt ở ban công phía sau. Nếu xảy ra cháy nổ thì cũng coi như chặn mất một đường thoát thân".

Vào mùa nắng nóng, lo sợ trước nguy cơ cháy nổ ở chung cư cũ - Ảnh 3.

Ở các quận trung tâm của TP HCM đều có chung cư cũ với cấp độ nguy hiểm đáng báo động

"Thỉnh thoảng chuông báo cháy vang liên tục 5 đến 6 lần, cư dân tưởng cháy thật hoảng sợ chạy. Một hồi sau, bảo vệ chung cư thông báo hướng dẫn cư dân sơ tán đi theo lối thang bộ để xuống đất, chính bảo vệ cho biết cũng không biết có cháy thật hay không. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì chuông báo cháy bị lỗi nên tự reo. Như vậy, sẽ tạo tiền lệ xấu và người dân sẽ chủ quan, nếu có cháy thật sẽ không phản ứng kịp thời", một cư dân sống tại Chung cư Zen Tower lo lắng.

Ở các quận trung tâm của TP HCM đều có chung cư cũ với cấp độ nguy hiểm đáng báo động như tại quận 1 có Chung cư 128 Hai Bà Trưng (phường Đa Kao) và Chung cư 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé); Chung cư 155 – 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão); quận 3 có Chung cư 11 Võ Văn Tần, 440 Trần Hưng Đạo (Quận 5), hay Chung cư 137 Lý Thường Kiệt (Quận Tân Bình)...

Riêng địa bàn quận 6 có 44 chung cư được xây dựng trước năm 1975, đa số các chung cư đều có diện tích tương đối nhỏ, quy mô xây dựng từ 2 đến 4 tầng. Trong đó, có 2 chung cư cũ cấp D (cấp nguy hiểm) là Chung cư 119B Tân Hòa Đông (phường 14) và Chung cư 43 Bình Tây (phường 1). Tất cả những chung cư cũ này đều trong diện nguy hiểm và nguy hiểm cần tháo dỡ của TP HCM.

Làm gì để đảm bảo an toàn cho cư dân

Vấn đề nguy hiểm rình rập tại các chung cư cũ trên địa bàn TP HCM không còn mới, nhưng nó luôn nóng và là vấn đề người dân quan tâm. Thiết kế của các chung cư cũ này khá đơn giản và hiện tại nó thiếu an toàn PCCC, điều kiện an toàn nhà ở, các cơ sở hạ tầng xuống cấp là một trong những nguyên nhân xảy ra cháy nổ tại các chung cư.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (PC07), Công an TPHCM cho biết: UBND các cấp cũng có trách nhiệm PCCC tại địa phương, trong đó có công trình chung cư, chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê nhà cao tầng… Pháp luật đã quy định, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có nhiệm vụ thực hiện thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với các dự án, công trình xây dựng.

Vào mùa nắng nóng, lo sợ trước nguy cơ cháy nổ ở chung cư cũ - Ảnh 4.

Thiết kế của các chung cư cũ này khá đơn giản và hiện tại nó thiếu an toàn PCCC, điều kiện an toàn nhà ở, các cơ sở hạ tầng xuống cấp là một trong những nguyên nhân xảy ra cháy nổ tại các chung cư.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho biết, hiện hầu hết hệ thống PCCC ở các chung cư dạng tái định cư, nhà ở xã hội của thành phố có chất lượng thấp hoặc hoạt động không ổn định, cần phải tăng cường việc kiểm tra, yêu cầu các công trình yếu kém phải khắc phục; đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước rút ngắn thời gian thẩm duyệt dự án.

Đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP HCM đã có kế hoạch khởi công xây mới 10 chung cư xuống cấp; di dời hơn 500 hộ dân ở 9 chung cư cấp nguy hiểm. Ngoài ra, 12 chung cư cấp nguy hiểm cũng sẽ hoàn tất công tác tháo dỡ.

Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, trong năm nay sở sẽ hoàn tất việc di dời 550 hộ dân đang sinh sống tại 9 chung cư cấp D (là cấp nguy hiểm), lựa chọn nhà đầu tư cho 4/15 chung cư cấp D còn lại.

Vào mùa nắng nóng, lo sợ trước nguy cơ cháy nổ ở chung cư cũ - Ảnh 5.

Để công tác phòng chống cháy, nổ đạt hiệu quả, nhất là trong mùa khô hanh này, lãnh đạo PC07 khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn các quận, huyện nâng cao ý thức PCCC

Để công tác phòng chống cháy, nổ đạt hiệu quả, nhất là trong mùa khô hanh này, lãnh đạo PC07 khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn các quận, huyện nâng cao ý thức PCCC trong từng căn hộ, phổ biến cho các thành viên trong gia đình kỹ năng thoát hiểm. Đặc biệt, mỗi căn hộ chung cư nên trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Ban quản lý các tòa chung cư, cao ốc văn phòng… phải thường xuyên phối hợp với các đội cảnh sát PCCC trên địa bàn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ PCCC cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC được lắp đặt trong tòa nhà để đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt.