Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Cẩn trọng khi đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Với mong muốn lưu giữ và chia sẻ những khoảnh khắc đáng yêu hay những kỷ niệm của con cháu, nhiều người đã thường xuyên đăng tải hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội mà không biết điều đó có thể tiềm ẩn rủi ro và nguy hại cho trẻ.

Thận trọng khi chia sẻ hình ảnh trẻ em

Trên hành trình nuôi dạy con, hiếm có sự vui sướng nào sánh được khi cha mẹ chứng kiến con mình trưởng thành và mong muốn được lưu giữ những khoảnh khắc đó cũng là nhu cầu chính đáng.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, những kỷ niệm ngày con mới chào đời, ngày con vào lớp một, sinh nhật, những thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa,… đều được cha mẹ, người thân của trẻ vô tư chia sẻ trên các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…) như để thông báo hoặc muốn lan tỏa niềm vui với mọi người. 

4-1683774606632984119761.jpg
Thói quen đăng ảnh trẻ em lên mạng  xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ.

Khi cha mẹ đăng hình ảnh của con trẻ lên các trang mạng xã hội, bất kỳ ai trong danh sách bạn bè cũng đều có thể tải những hình ảnh đó về máy tính hoặc thiết bị thông minh của họ. Những hình ảnh này có thể dễ dàng được chia sẻ và thay đổi bởi bất kỳ ai có chút kiến thức về công nghệ.

Các bậc cha mẹ cũng không biết chắc chắn rằng, trong số những người theo dõi các trang mạng xã hội của mình không có người xấu. Việc đăng ảnh trẻ lên mạng có thể khiến cho các bé trở thành mục tiêu của những kẻ có ý đồ không tốt.

Mặc dù mang lại niềm vui, bày tỏ sự quan tâm, yêu thương và tự hào về con cái, nhưng hành động chia sẻ ảnh của con lên mạng xã hội lại có thể dẫn tới nhiều rủi ro hơn cha mẹ tưởng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đăng tải ảnh của con trẻ để ghi dấu một dấu mốc, một kỉ niệm đẹp là không sai. Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh con một cách quá đà, đăng tải gần như tất cả mọi thông tin như tên, tuổi, nhà ở, trường học của trẻ mà không lường trước các hệ lụy.

Ngoài nguy cơ là nạn nhân của các hành vi xâm hại, lạm dụng, trẻ có thể phải đối mặt với khả năng bị bắt cóc nhằm mục đích tống tiền hoặc mua bán. 

Thời gian vừa qua, hàng trăm phụ huynh đã bị các đối tượng giả danh là giáo viên gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn nguy kịch, cần phẫu thuật rồi yêu cầu chuyển tiền gấp để đóng viện phí. Không ít người vì quá lo lắng cho an nguy của con đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.

Cùng với đó, nhiều vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền, mua bán, thậm chí là bị sát hại khi việc bắt cóc không đạt được mục đích cũng đã xảy ra. 

Thay đổi thói quen để bảo vệ trẻ em

Khảo sát của Kaspersky Lab (Công ty an ninh mạng của Nga) cho biết, 43% phụ huynh đăng ảnh và video với con cái của họ và 35% trong số họ cung cấp thông tin bổ sung, chẳng hạn như tên của đứa trẻ, sở thích, vị trí địa lý của trẻ.

Một nghiên cứu của tờ The New Yorker (một tạp chí của Mỹ) cũng cho thấy, đến năm 2030 sẽ có 2/3 số vụ đánh cắp danh tính xảy ra do tình trạng chia sẻ ảnh thiếu kiểm soát lên mạng xã hội. Deutsche Telekom, công ty viễn thông hàng đầu có trụ sở chính tại Đức cũng dẫn báo cáo cho thấy, có hơn 75% bậc cha mẹ hiện nay chia sẻ dữ liệu về con trên mạng xã hội.

Trong khi đó, cứ 10 phụ huynh thì 8 người đang có thành viên khác trên mạng xã hội theo dõi tài khoản của họ và đa phần chưa hề gặp ngoài đời. 

Các chuyên gia cho rằng, thói quen đăng ảnh con lên mạng xã hội của nhiều cha mẹ cần thay đổi để tránh nhiều rủi ro. Trong kỷ nguyên của quyền riêng tư, của AI với mối nguy về deepfake (sửa đổi, giả mạo chân dung), nguy cơ bị thu thập dữ liệu khuôn mặt rất đáng lo ngại.

Các bậc phụ huynh nên thận trọng và tiết chế khi đăng tải thông tin, hình ảnh của con lên mạng xã hội, nhất là thông tin về tên, tuổi, nhà ở, trường lớp, giờ con đi học… nhằm bảo vệ tốt nhất cho sự an toàn của trẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, hiện rất nhiều phụ huynh vô tình phát tán lên mạng thông tin như hình ảnh, thông tin của con, dẫn tới các em có nguy cơ thành "con mồi" của tội phạm "săn lùng trẻ em".

Những bức ảnh chân dung xinh đẹp của trẻ em rất có thể sẽ trở thành tài nguyên cho công nghệ deepfake. Khoảnh khắc ngây ngô thời thơ ấu có thể trở thành đề tài cho bạn bè, đồng nghiệp trêu chọc, đùa cợt khi các em trưởng thành.

Những giấy khen, chứng nhận, huy chương của các em cũng có thể trở thành gánh nặng với bạn bè đồng trang lứa và chính bản thân các em khi hình thành suy nghĩ cha mẹ chỉ coi mình như công cụ để khoe. Kèm theo đó là rủi ro từ việc kẻ gian mạo danh thân quen để bắt cóc trẻ và giả dạng trẻ trên không gian mạng để lừa đảo.

Cha mẹ cần ý thức về bảo mật thông tin cá nhân của trẻ

Untitled-2.jpg
Những bức ảnh chân dung xinh đẹp của trẻ em rất có thể sẽ trở thành tài nguyên cho công nghệ deepfake. Ảnh minh hoạ

Một trong những điểm tạo sức hút của các mạng xã hội là khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin. Nhưng điều ấy không có nghĩa là người dùng phải chia sẻ những thông tin cá nhân hoặc chia sẻ thông tin của bản thân, con cái một cách thiếu chọn lọc. 

Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ. Do đó, không được ép buộc trẻ phải chụp ảnh hay tự ý đăng ảnh của trẻ sau khi chụp. Trẻ em có quyền lựa chọn bảo vệ thông tin của bản thân.

Người lớn nên suy nghĩ kỹ về nội dung bức ảnh trước khi đăng. Nếu bức ảnh liên quan đến việc vệ sinh cá nhân, khám chữa bệnh, chưa mặc đủ quần áo của trẻ thì cha mẹ không nên đăng tải. 

Hạn chế tần suất chụp ảnh và đăng ảnh cũng là cách cha mẹ giảm thiểu rủi ro, tránh vô tình cung cấp thông tin về thói quen sinh hoạt của con cho kẻ xấu. Nếu sáng, trưa, chiều, tối, mọi hoạt động học tập, vui chơi, ăn uống, sở thích của con được đăng trên mạng xã hội đều đặn thì con trẻ có thể trở thành mục tiêu dễ tiếp cận cho những kẻ mua bán người, bắt cóc, ấu dâm.

Đối với trẻ em, việc bị chia sẻ rộng rãi ảnh khuôn mặt, thông tin đời tư và nhận lại những phản ứng tiêu cực sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cá nhân, nhất là khi các em đang trong giai đoạn lớn lên và có những hiểu biết, nhận thức nhất định.

Về lâu dài, trẻ em sẽ cảm thấy mặc cảm, tổn thương, sợ hãi, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ tự tử khi đối diện với sự chỉ trích, nhận xét, đánh giá, kỳ thị, hoặc những thông tin bịa đặt từ 
bên ngoài.

Để bảo vệ con trẻ, người lớn hãy thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất trước khi đăng ảnh trẻ. 

 

Hoàng Nam 

Ấn phẩm Vì trẻ em số 14

Tin liên quan